"Nóng" các vấn đề phát triển du lịch, y tế

09:52 SA 15/06/2017

(HPĐT)- Ngày 14-6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 tiếp tục thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân với các vấn đề về phát triển du lịch, văn hóa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn.

Quy hoạch Sơn Trà sẽ do Chính phủ quyết định

Sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu: “Bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống như với Hạ Long, Sơn Đoòng… Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể giao UBND thành phố Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì cấp trên phải vào cuộc. Tôi đề nghị phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn”.

Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ không để Đà Nẵng quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Nếu để Đà Nẵng tự quyết thì đã không làm quy hoạch. Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, sau khi nghe ý kiến của tất cả bên thì Chính phủ quyết định, vì luật định việc phê duyệt, bổ sung hay điều chỉnh quy hoạch là Thủ tướng. Trong trường hợp không phát triển du lịch ở Đà Nẵng, bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia cũng phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) chất vấn thành viên Chính phủ.

Phó thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn UBND thành phố Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp về Sơn Trà. Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Thứ hai, khi chưa có quy hoạch du lịch, UBND thành phố Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình, đã cấp phép các dự án với nhà đầu tư phát triển du lịch ở Sơn Trà. Nhưng bây giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thành phố phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển nhưng phải bền vững và những yếu tố bền vững mà chưa chắc chắn thì lùi lại đến khi có đủ điều kiện. Để làm phát triển bền vững cần có kinh nghiệm, tri thức và trong nhiều trường hợp là suất đầu tư lớn hơn- Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) hỏi: Giải pháp nào để phát triển du lịch Việt Nam như các nước và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020? Đại biểu nhắc lại câu chuyện của đại biểu Quốc hội khóa 13 đặt ra với nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về phát triển du lịch, lúc đó nguyên Bộ trưởng trả lời là chuyển cho Bộ trưởng kế nhiệm.

Nhắc lại vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ, sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, ông luôn lo lắng và suy nghĩ về việc sẽ phải thực hiện và trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh như thế nào. Năm 2016, khách du lịch đến Việt Nam khoảng 10 triệu, Thái Lan khoảng 32 triệu, Xin-ga-po khoảng 16 triệu, Phi-líp-pin khoảng 6 triệu… Như vậy, khoảng cách về lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta so với Thái Lan và Ma-lai-xi-a vẫn còn khá xa, Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, điều đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước ta thời gian qua, năm 2016 là 27%, năm nay khoảng 30%. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Du lịch để tạo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới, mục tiêu là phát triển du lịch rất nhanh, tốc độ cao. Thủ tướng yêu cầu tăng từ 30 - 50% trong năm nay. Sau 15 năm du lịch của Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 20%.

Giữ nét đẹp văn hóa của lễ hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về trách nhiệm của Bộ về tình trạng lễ hội còn nội dung phản cảm, xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bạo lực, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ được giao quản lý nhà nước tham mưu với Chính phủ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức lễ hội. Chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý, bảo đảm trật tự đối với hoạt động lễ hội. Bộ đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ có các văn bản hướng dẫn liên quan. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2017, mùa lễ hội vừa rồi, các lễ hội phản cảm giảm bớt, lễ hội Đền Hùng, lễ Hội Đền Trần được tổ chức tốt hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để hạn chế những yếu kém, chính quyền địa phương vào cuộc và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, đặc biệt là cộng đồng thống nhất để tránh trình trạng phản cảm trong lễ hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngâncho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời rõ chức năng quản lý nhà nước về lễ hội, nhưng đến nay mới dừng ở công điện, chỉ thị, thiếu Nghị định quản lý nhà nước về lễ hội. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ VHTTDL cần lưu ý và sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý nhà nước về lễ hội. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết tiếp thu vấn đề này.

Quyết liệt khắc phục hạn chế

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét rất sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực, làm rõ vấn đề. Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng nỗ lực quán xuyến, điều hành nắm tình hình công việc của Bộ, của ngành và thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng cũng rất chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của mình trong thời gian gần đây và những hạn chế chung của ngành. Tuy nhiên, việc trả lời một số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu nên phần tranh luận cũng khá sôi nổi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp để khắc phục những hạn chế, tập trung vào một số vấn đề lớn là: Rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp thực tiễn; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt tổ chức lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tiếp tục công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, phát huy mọi nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, lịch sử; triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam; chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ; sớm triển khai các quy định của Luật Du lịch sau khi được Quốc hội thông qua. Đối với quy hoạch bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở cân nhắc mọi mặt đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển của cả nước để cử tri, nhân dân cả nước yên tâm.

Xử lý những bất cập trong công tác khám, chữa bệnh

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về những rắc rối, phiền hà về thủ tục khám chữa bệnh; về trục lợi BHYT; về việc công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế…

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Một số bệnh nan y như ung thư và bệnh nặng khác có được phép chuyển thẳng lên tuyến trung ương hay không, vì hiện nay thủ tục chuyển viện rất rườm rà, mất thời gian mà cuối cùng cũng vẫn phải chuyển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng nêu rõ, chuyển thẳng lên tuyến trung ương là nguyện vọng chính đáng của người bệnh. Hiện nay có sự thông tuyến từ tuyến xã, tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong lộ trình đến năm 2021 sẽ thông tuyến toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, chúng ta có hệ thống y tế từ xã đến tỉnh chăm sóc sức khỏe khá tốt, người dân có thể đi từ những tuyến ban đầu. Ngành y tế đang xây dựng chương trình thực hiện thí điểm người bệnh có thể đến nhận thuốc tại xã, huyện mà không cần đi xa, vì thực chất bệnh mãn tính gần như là điều trị theo phác đồ. Với những bệnh nặng và mãn tính, theo dõi giám sát và điều trị theo phác đồ. Với những bệnh nặng, trong giai đoạn đầu phát hiện người bệnh sẽ được tiếp cận ở cơ sở y tế cao nhất.

Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh. Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận.

Nhiều vướng mắc, khó khăn trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phản ánh: “Một số bệnh viện lạm dụng xét nghiệm kỹ thuật cao, vì sức ép bảo đảm cân đối thu chi tài chính mà chưa vì quyền lợi người bệnh”. Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế từ cả 2 phía cơ quan y tế và người dân. Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm y tế lớn, cộng thêm quy định thông tuyến nên người dân lạm dụng đi khám nhiều. Có người bệnh đi khám 20-30 lần trong một tháng, sáng khám xong chiều khám tiếp, khám ở huyện này lại sang huyện khác khám. Các đơn vị y tế do cơ chế tự chủ, áp lực tăng nguồn thu nên lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế. Một số bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện, chỉ định nhập viện khi chưa thực sự cần thiết.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế sẽ tổ chức các quy trình khám chữa bệnh chặt hơn. Bộ tăng cường giám sát đồng thời phối hợp với BHXH quy định mức trần chi.

Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục phát biểu và tranh luận về những bất cập trong vấn đề này cùng Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam. Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng có tình trạng lạm dụng khai khống hồ sơ để trục lợi; BHXH dựa vào lợi thế của mình không thanh toán, xuất toán; một số nhân viên BHXH không có chuyên môn nhưng can thiệp sâu vào hồ sơ thanh toán, ảnh hưởng tới chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân. Đại biểu đặt vấn đề phải làm sao chấm dứt tình trạng xin- cho trong thanh toán BHYT. Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng mức độ thụ hưởng BHYT của người dân miền núi còn thấp, chưa tương xứng với vùng đồng bằng, đô thị. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ( Nghệ An) cho biết, cử tri bác sĩ trong và ngoài công lập rất bức xúc là BHYT cử giám định viên không phải là bác sĩ, và đề nghị Bộ Y tế và BHXH cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia để công khai vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cam kết sẽ tiếp tục ngồi lại cùng BHXH để xử lý, khắc phục sự chồng chéo, bất cập, hạn chế, nhằm tìm giải pháp giải quyết các vấn đề bất cập, khó khăn hiện nay mà người dân, đại biểu Quốc hội phản ánh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết,Luật BHYT có hiệu lực năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện ưu việt của chế độ; quyền lợi được hưởng so với mức đóng rất cao. Khi ban hành nhiều đối tượng được ưu tiên như người nghèo, học sinh sinh viên được tiếp cận dịch vụ y tế.

Thời gian qua, đã làm được khối lượng công việc rất lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho 150 triệu lượt người; hiện nay độ bao phủ là 77 triệu người chiếm khoảng 83% dân số. Về quỹ BHYT, bình quân mức thu chưa đến 30 USD nhưng tổng quỹ hiện nay huy động 1 năm được hơn 70.000 tỷ đồng, có thể nói khối lượng công việc khổng lồ và ngành y tế đã đáp ứng được, chất lượng khám chữa bệnh nâng lên rất nhiều, tinh thần thái độ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên do đối tượng phục vụ quá lớn, 150 triệu lượt người và rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh dẫn tới tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến.

Thời gian tới sẽ tiến hành công khai các thông tin liên quan đến BHYT để tránh tình trạng trục lợi. Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để quản lý hiệu quả Quỹ BHYT...

Cần sớm chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu thực trạng người dân hiện dễ dàng mua thuốc ở các nhà thuốc và người bán tự ý kê thuốc theo triệu chứng người bệnh kể mà không cần toa của bác sĩ và đặt câu hỏi: bao giờ chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng cho biết, khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn, thành thị phía Bắc cho thấy 81-99% số thuốc được bán mà không cần đơn bác sĩ. Tình trạng "mua thuốc dễ như mua rau" này dẫn tới nhiều hệ lụy như thuốc bán không đúng đối tượng, lạm dụng kháng sinh, lạm dụng thuốc...

Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Bộ trưởng cũng thừa nhận quản lý tình trạng này khó vì đã có thông tư ban hành quy định về việc kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng đơn vị kinh doanh không tuân thủ. Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc, sắp tới sẽ nhân rộng. Ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra, kiểm tra nhiều hơn.

Sẽ sớm hoàn tất văn bản kết hợp công tư

Một số đại biểu tiếp tục chất vấn, phản ánh, tranh luận về chất lượng khám, chữa bệnh, quá tải bệnh viện, tai biến y khoa, phát triển y tế cơ sở và nhiều vấn đề khác. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 2 câu hỏi liên quan đến lĩnh vực y tế mà cử tri đang quan tâm. Đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh, liên quan đến hệ thống tổ chức y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến cơ sở đã được Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình rõ ràng, nhất là việc Bộ Y tế ban hành nhiều thông tư để thực hiện việc tinh giản đầu mối cũng như giảm biên chế, nhưng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá rõ hơn về thực tế hiệu quả triển khai các thông tư này? Đại biểu cũng đặt câu hỏi, xã hội hoá và kết hợp công tư là chủ trương của Chính phủ để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư y tế. Theo Bộ trưởng, việc này có khó khăn, vướng mắc gì; Bộ Y tế đang và sẽ làm gì để thực hiện có hiệu quả cao chủ trương này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và nhiều đại biểu khác, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: về y tế cơ sở, đã xác định ở thành thị có phòng khám gia đình, nông thôn có trạm y tế xã. Về quá tải bệnh viện, đã có đề án, theo lộ trình đến năm 2020 cơ bản chống được quá tải. Về công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, thẻ thông minh đang chờ có số định danh như thẻ căn cước thì sẽ tích hợp. Bộ Y tế sẽ thúc đẩy tích cực thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh. Bộ trưởng cho biết, tai biến y khoa là điều không mong muốn, là nỗi đau lòng, Bộ Y tế đã có nhiều đề án, ban hành 5000 quy trình khám chữa bệnh rất chặt chẽ, vấn đề là phải thực hiện nghiêm các quy trình đó. Sắp tới Bộ sẽ ban hành tiếp thông tư, chỉ thị về vấn đề này. Về xã hội hóa, kết hợp công tư, Bộ trưởng cho biết là chủ trương lớn của Nhà nước, tuy còn vướng mắc nhưng nguyên tắc của Bộ Y tế là không cổ phần hóa bệnh viện công, sẽ làm rõ vấn đề sở hữu và cơ chế tài chính. Bộ cũng đang hoàn thiện văn bản về kết hợp công- tư, thời gian tới mô hình công- tư sẽ ra đời, cùng với đó là mô hình tự chủ. Bộ trưởng khẳng định, việc tăng giá dịch vụ y tế là đúng, không ảnh hưởng tới người nghèo, gia đình chính sách. Nhà nước cũng đã khuyến khích BHYT toàn dân.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 13 đại biểu tham gia tranh luận, nhiều đại biểu đăng ký nhưng vì thời gian có hạn nên chưa phát biểu. Về cơ bản các đại biểu hài lòng, đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ tịch Quốc hội khẳng định ngành Y tế thời gian qua có nhiều chuyển biến với những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, đẩy nhanh quá trình khắc phục, triển khai đầy đủ quy định của pháp luật, các đề án của ngành, có giải pháp mang tính tổng thể, dài hơi, căn cơ, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính tại các bệnh viện, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế, nhất là bệnh viện tuyến huyện, các cơ sở y tế mới được đầu tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân, khám chữa bệnh theo phương thức y học cổ truyền…; đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện, thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, sớm liên thông kết quả xét nghiệm, cải tiến quy trình, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh…