Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 7)

10:59 SA 09/04/2025

 Cuộc đấu tranh diễn ra suốt ba ngày đêm, địch nhiều lần thay đổi thủ đoạn đối phó, kể cả việc cho một số lính ngụy và bọn lưu manh mặc quần áo tù ra trước đồng bào tuyên bố tình nguyện đi theo quân đội Pháp vào Nam. Quần chúng đã vạch trần từng thủ đoạn xảo trá của địch. Cuối cùng địch phải nhận thả hết số anh em tù giam trong trại. Ta vẫn không tin địch thả hết, nên tiếp tục đòi chúng phải cho đoàn đại biểu nhân dân vào kiểm tra trại giam. Chúng buộc phải nhượng bộ. 

 

Bộ đội ta tiếp quản Nhà máy xi măng Hải Phòng. (Ảnh tư liệu)
 

Trong những ngày đầu năm 1955, ở Hải Phòng còn nổ ra cuộc đấu tranh bảo vệ 26 chiến sĩ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn (trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ) bị địch đem giam lỏng ở đây. Chúng muốn đưa các chiến sĩ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn đi khỏi miền Nam để dễ dàng hãm hại. Đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã từng đấu tranh chặn bàn tay đẫm máu của địch không để chúng giết hại đồng bào, đồng chí mình thì đồng bào Hải Phòng có thể nào để bị chúng lừa. Đảng bộ Hải Phòng đã bắt liên lạc với các chiến sĩ trong trại giam, tổ chức cho nhân dân đem chăn, màn, thức ăn đến ủng hộ và ngày đêm bám sát quanh căn nhà số 11 đường Lạch Tray (nơi chúng giam giữ các chiến sĩ hòa bình) cảnh giác theo dõi từng hành động của địch, đấu tranh buộc địch phải bảo đảm đời sống, bảo đảm an toàn và trả anh em về Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo chỉ thị của Trung ương, ta đã đưa được giáo sư Phạm Huy Thông - người mà địch biết rõ là đảng viên cộng sản, cùng với vợ ra ngoài khu tự do. Còn các đồng chí khác, đến gần ngày ta tiếp quản, chúng phải đưa trở về Sài Gòn - Chợ Lớn. Ba trăm ngày đêm với trên 200 cuộc đấu tranh trong khu vực địch tập kết đã diễn ra hết sức quyết liệt. Song được sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, của Khu ủy, có chủ trương và biện pháp đấu tranh phù hợp với tình hình, ta đã phát động được đông đảo nhân dân hăng hái đứng lên đấu tranh với kẻ thù. Các cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra hết sức phong phú, sáng tạo nhiều hình thức vừa dựa vào pháp lý của hiệp định, vừa biểu dương sức mạnh có hiệu lực của quần chúng, kết hợp với vận động làm tan rã, phân hóa hàng ngũ địch, nên đã đem lại thắng lợi to lớn. Âm mưu địch cướp người, cướp của, phá hoại khu tập kết đã không thực hiện được như ý chúng mong muốn… 

2. Tiến về giải phóng thành phố

 Càng gần đến ngày tiếp quản thành phố, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra càng quyết liệt. Việc nắm tình hình địch và chủ trương đối phó của ta càng phải chặt chẽ hơn. Đồng chí Hoàng Mậu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng và đồng chí Lệ Chương, Bí thư Tỉnh ủy Kiến An, dự giao ban hằng ngày với cơ quan quân sự và các đơn vị tiếp quản. Những tin tức hoạt động của địch và tình hình đấu tranh của ta được kịp thời báo cáo lên đồng chí Đỗ Mười, Trưởng Ban chỉ đạo khu 300 ngày. 

(Còn nữa) 

Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập