Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của BHTGVN.
Từ cơ sở pháp lý đầu tiên của hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam là Nghị định 89/1999/NĐ-CP năm 1999, Nghị định 109/2005/NĐ-CP năm 2005 về BHTG và được nâng thành Luật BHTG, có hiệu lực từ ngày -1-2013 đánh dấu một bước ngoặt lớn tạo hành lang pháp lý cao nhất cũng như xác định vị trí, vai trò của BHTGVN trong mạng an toàn tài chính quốc gia.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước do Chính phủ thành lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động, được thành lập ngày 9-11-1999 theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hàng loạt Hợp tác xã tín dụng đổ vỡ đầu thập niên 90 đã gây suy giảm niềm tin trầm trọng, để lại hậu quả trong nhiều năm sau đó về mặt kinh tế, chính trị, xã hội tại một số địa phương. Việc thành lập BHTGVN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới của kinh tế nước nhà, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và củng cố niềm tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng.
Ngày 1-4-2016, BHTGVN chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành “tổ chức tài chính nhà nước theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ” theo Quyết định số 527/QĐ-TTg của TTg Chính phủ. Bước chuyển này có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để BHTGVN - tổ chức trực tiếp thực thi chính sách BHTG tại Việt Nam- thực hiện tốt hơn mục tiêu “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm phát biểu tại hội nghị triể khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, hoạt động nghiệp vụ BHTG của BHTGVN luôn gắn liền với “vòng đời” của các tổ chức tín dụng (TCTD). Ở bất kỳ giai đoạn nào, từ lúc khai sinh, quá trình hoạt động hay khi rút lui khỏi thị trường đều có sự đồng hành của BHTG. Hơn 20 năm hoạt động, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi bằng Việt Nam đồng của cá nhân tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG (94 Ngân hàng và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 Ngân hàng Hợp tác xã, 1.183 QTDND và 4 Tổ chức tài chính vi mô) thông qua các nghiệp vụ BHTG: cấp chứng nhận tham gia BHTG; tính và thu phí BHTG; giám sát; kiểm tra; tham gia KSĐB, cho vay đặc biệt TCTD được kiểm soát đặc biệt; chi trả; thanh lý tài sản của TCTD; tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHTG.
Tổng giám đốc BHTGVN Đào Quốc Tính phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Trong thời gian tới, trọng tâm hoạt động của BHTGVN chính là góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, củng cố niềm tin của người gửi tiền tại các TCTD thông qua việc tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. BHTGVN chủ trương tiếp tục phát huy mạnh mẽ nội lực, chủ động triển khai “Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG, tăng cường giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG để ngăn ngừa rủi ro, bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của các TCTD, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm tạo cơ sở pháp lý để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò tích cực của mình trong tiến trình này; tăng cường quản lý có hiệu quả và nâng cao năng lực tài chính để sẵn sàng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi cần thiết hoặc hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG tạm thời gặp khó khăn về thanh khoản; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông chính sách để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, từ đó góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
* Một số thông tin chính sách BHTG tại Việt Nam
1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
2. Mục đích của chính sách Bảo hiểm tiền gửi:Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
3. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: làcác tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các TCTDđược nhận tiền gửi của CÁ NHÂN, bao gồm:Ngân hàng thương mại; Ngân hàng Hợp tác xã; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; Tổ chức tài chính vi mô được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các TCTD.
4. Tiền gửi được bảo hiểm: Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật Bảo hiểm tiền gửi.
5. Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
6. Quyền lợi hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi:
- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG.
- Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật BHTG.
- Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.
7. Phí bảo hiểm tiền gửi: do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, người gửi tiền không phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi.
8.Hạn mức trả tiền bảo hiểm: là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.