Các cấp Hội phụ nữ thành phố: Tạo cơ hội để hội viên khởi nghiệp
Hội viên, phụ nữ quận Ngô Quyền tham gia ngày hội quảng bá sản phẩm hàng tiêu dùng năm 2020.
(HPĐT)- 5 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố thành lập được 48 tổ phụ nữ liên kết, với 947 thành viên; 5 hợp tác xã; gần 1.400 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập và phát triển các mô hình, nhóm liên kết theo chuỗi giá trị trong “sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch”. Đặc biệt, các cơ sở Hội chú trọng nâng cao kỹ năng, mở rộng hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Là một trong những hội viên phụ nữ được Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng (trực thuộc Hội LHPN thành phố) hỗ trợ xúc tiến thương mại từ những ngày đầu còn khó khăn, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Vilaco cho biết: “Thời gian đầu, công ty chuyên làm hàng gia công xuất khẩu hàng hóa mỹ phẩm. Nhờ Hội Nữ doanh nhân thành phố kết nối, các doanh nghiệp trong cả nước, tìm đầu ra cho sản phẩm, công ty mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ nội địa. 4 năm qua, công ty triển khai đại lý phủ 55/63 tỉnh, thành phố. Hiện, công ty sản xuất hàng nghìn sản phẩm hóa mỹ phẩm và tạo việc làm gần 400 lao động”. Bên bờ vực công ty bị phá sản, nhờ Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng hỗ trợ, kết nối, Công ty Sứ vẽ vàng Hải Đồ Cổ hoạt động trở lại. Hiện, công ty tạo việc làm cho 100 lao động thường xuyên. Không dừng ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng còn mở rộng mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp tại các vùng nông thôn.
Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân thành phố Nguyễn Thị Minh Hà cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng kết nối doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội tìm đầu ra cho sản phẩm của hội viên, phụ nữ ở vùng nông thôn; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên, phụ nữ tại huyện An Dương và Vĩnh Bảo xuất khẩu rau sang các nước: Anh, Đức và Nhật Bản. Đồng thời, Hội kết nối doanh nghiệp Hiền Lê ở Hà Nội triển khai mô hình cánh đồng lớn tại huyện An Dương và Vĩnh Bảo với diện tích 500 héc ta rau đậu tương và khoai sọ. Trong đó, nhiều hội viên ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài thành phố như: Công ty TNHH thực phẩm xanh Kỳ Duyên xã Hùng Tiến, Hợp tác xã nông nghiệp xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo). Đặc biệt, trong tháng 9-2020, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng kết nối, tìm thị trường cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được giao lưu trao đổi, giao thương sản phẩm nông sản với doanh nghiệp các tỉnh Sơn La, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Lắk… Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng chục cửa hàng tiện ích của hội viên, phụ nữ được thành lập và duy trì hoạt động, góp phần cùng thành phố không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, bình ổn giá thị trường. Trong chuỗi cửa hàng tiện ích có đến 40% lượng sản phẩm của các cửa hàng do nữ doanh nhân sản xuất tại Hải Phòng, như: rau sạch, trứng gà sạch, dầu ăn sạch… Các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn và giá cả ổn định.
Duy trì thương hiệu sản phẩm sạch
Nhờ cách làm sáng tạo, năng động của các cơ sở Hội, các doanh nghiệp phụ nữ làm chủ mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển… và biến ý tưởng khởi nghiệp từ các mô hình vườn, ao, chuồng, nuôi trồng thủy sản, bãi rươi, trồng nấm, rau... trở thành những trang trại, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm sạch. Tiêu biểu như, mô hình Trồng rau an toàn (Hội LHPN huyện Thủy Nguyên, Cát Hải, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo); Văn minh thương mại (Hội LHPN quận Hồng Bàng); Sản xuất sạch-tiêu dùng sạch, xây dựng nếp sống văn minh đô thị (Hội LHPN quận Ngô Quyền và huyện Cát Hải)... . Trong đó, Hội LHPN quận Ngô Quyền, với giải pháp liên kết các nhóm ngành nghề làm sản phẩm sạch cung cấp tới người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.Trưởng nhóm liên kết ngành nghề đồ ăn uống, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) Đào Thị Chính cho biết: Nhóm có 25 thành viên, phần lớn hội viên phụ nữ khó khăn, buôn bán hàng ăn, đồ uống nhỏ lẻ hộ gia đình khi được cán bộ Hội LHPN phường, quận và Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ vốn, phương tiện, dụng cụ kinh doanh, sản xuất, tập huấn các chuyên đề, kiến thức để phát triển kinh tế... chúng tôi rất vui mừng và yên tâm kinh doanh, buôn bán, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố Vũ Thị Kim Liên cho biết: Với phương châm đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt tự hào dùng hàng Việt”, “Doanh nghiệp Việt sản xuất - kinh doanh vì Người Việt”, thời gian tới, Hội LHPN thành phố tiếp tục chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhằm mở rộng và định vị sản phẩm trên thị trường; phối hợp tổ chức tốt các lễ hội, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương thực hiện hỗ trợ chính sách đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, chính sách thúc đẩy phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong và ngoài nước.