Chú trọng “nâng chất” bữa ăn ca

Công nhân Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng (Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương) ăn trưa tại khu bếp ăn của công ty. Ảnh: Trung Kiên
(HPĐT)- Với phương châm "Sức khỏe người lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp", nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, kinh tế trên địa bàn thành phố nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động (NLĐ), để gắn kết, chung tay xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng
Bữa ăn ca an toàn, chất lượng không chỉ bảo đảm sức khỏe NLĐ, mà còn mang lại lợi ích đối với người sử dụng lao động. Bởi khi sức khỏe được bảo đảm, NLĐ sẽ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ngay sau khi thành lập năm 2020, Công đoàn Công ty TNHH YJ Link Vina (Khu công nghiệp An Dương) đề xuất chủ doanh nghiệp xây dựng bếp ăn tập thể và tổ chức bữa ăn ca trưa đối với hơn 200 lao động tại công ty. Với trị giá suất ăn ca 45.000 đồng/người/suất, bữa ăn luôn được bảo đảm cả về lượng và chất. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH YJ Link Vina Nguyễn Trọng Hòa cho biết: Cùng với bảo đảm quyền lợi, chế độ, chính sách đối với NLĐ, công ty đầu tư xây dựng, bố trí nhà ăn và khu nấu ăn tách biệt, bảo đảm an toàn vệ sinh. Công ty chú trọng thay đổi món ăn, bảo đảm đủ no, đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tất cả nguyên liệu thực phẩm đầu vào trước khi chế biến đều được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng. Nhờ đó, nhiều năm qua, công ty không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Anh Trần Văn Dũng, 35 tuổi, bộ phận Laser của công ty nhận xét: Các bữa ăn ca đều được nhà bếp chế biến ngon, sạch sẽ. Thực đơn phong phú, thay đổi theo ngày, được chăm chút tỉ mỉ. Mặt khác, chất lượng bữa ăn được kiểm soát chặt, nên NLĐ không lo lắng rủi ro ngộ độc thực phẩm. "Sau những giờ làm việc mệt mỏi, những suất ăn ngon, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần giúp chúng tôi nhanh tái tạo sức lao động".
Công ty TNHH JCV CORP (Khu công nghiệp Tràng Duệ) cũng là đơn vị tổ chức tốt bữa ăn ca cho NLĐ. Hiện, công ty có hơn 1 nghìn lao động, đều ăn ca trưa tại doanh nghiệp, với mức 40.000 đồng/suất. Bên cạnh yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm cam kết bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, hằng ngày, đội quản lý chất lượng bữa ăn của công ty trực tiếp đến nhà bếp để kiểm tra, giám sát đầu vào thực phẩm, quá trình chế biến, đưa thức ăn lên khay… nhằm bảo đảm đủ định lượng mỗi suất ăn. Cùng với đó, lãnh đạo công ty cũng quan tâm đến công tác bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn, tăng thêm trái cây, sữa chua, trứng, ngũ cốc vào thứ 5 hằng tuần.
Giám sát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm
Trước thực trạng chất lượng bữa ăn ca của NLĐ ở nhiều nơi còn bị thả nổi, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động", trong đó quy định: Bảo đảm bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất 15.000 đồng; khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn (không gồm chi phí khác, như gas, vận chuyển, phục vụ...).
Theo hướng dẫn của LĐLĐ thành phố, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tập trung giám sát, kiến nghị điều chỉnh chất lượng bữa ăn ca NLĐ phù hợp. Hiện, có 44 doanh nghiệp điều chỉnh mức ăn ca, với mức tăng bình quân 2.000 đồng/suất, đưa giá trị mức ăn bình quân tại các đơn vị trong Khu Kinh tế lên 27.000 đồng/suất. Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nguyễn Hồng Quang thông tin: Bữa ăn ca của NLĐ có vai trò quan trọng, bảo đảm tái tạo sức lao động, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chú trọng tới bữa ăn ca của công nhân, còn không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ, coi nhẹ vấn đề này. Thời gian tới, Công đoàn Khu Kinh tế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp tiếp tục quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn ca; tổ chức đối thoại định kỳ với doanh nghiệp; đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể; tăng cường phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời những đơn vị vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình "3 bước" (trước, trong và sau khi chế biến) theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Có như thế chất lượng bữa ăn ca của NLĐ mới thực sự được bảo đảm./.