Đề xuất đưa quy định về bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động: Cần thiết để bảo đảm sức khỏe công nhân

10:34 SA 04/08/2023

 

 

 

Cán bộ công đoàn Công ty TNHH YJ Link Vina (Khu công nghiệp An Dương) kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm phục vụ bữa ăn ca của người lao động. 

 

(HPĐT)- Tại “Diễn đàn Người lao động năm 2023” vừa diễn ra tại Hà Nội do Văn phòng Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp tổ chức, nhiều công nhân có ý kiến về bữa ăn ca. Theo đó, các đại biểu đồng tình đề xuất cần đưa vào Bộ luật Lao động quy định bắt buộc về bữa ăn ca và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm chất lượng bữa ăn nhằm chăm lo sức khỏe người lao động tốt hơn.

 

Khó thương lượng do không có quy định bắt buộc

Hải Phòng có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó gần 800 doanh nghiệp có chế độ bữa ăn ca bằng hình thức tổ chức bữa ăn tập trung, hoặc chi bằng tiền vào thu nhập hằng tháng. Mức ăn bình quân của công nhân năm 2023 từ 20-25 nghìn đồng/bữa. Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp chi mức ăn chỉ 15 nghìn đồng, thậm chí không có bữa ăn ca cho người lao động.

 

Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, tháng 3-2022, tại Nhà máy giày Tam Cường Vĩnh Bảo (có công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Công Thương) xảy ra vụ ngừng việc tập thể liên quan đến nhiều nội dung kiến nghị của người lao động, trong đó có giá trị bữa ăn ca quá thấp, chỉ 12 nghìn đồng, không đủ tái tạo sức lao động. Sau khi cơ quan chức năng, hệ thống công đoàn vào cuộc, công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động nhiều lần, mức ăn ca được nâng lên 15 nghìn đồng/bữa và duy trì đến nay. Tuy nhiên đây vẫn là mức ăn có giá trị thấp so với mặt bằng chung, nhất là trong bối cảnh giá cả thực phẩm luôn biến động và có xu hướng tăng.

 

Phó chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nguyễn Hồng Quang phản ánh: Một trong những nguyên nhân bữa ăn ca giá trị thấp là do pháp luật không quy định cụ thể bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải chăm lo bữa ăn giữa ca của người lao động. Do đó, để có bữa ăn ca bảo đảm đủ dinh dưỡng, hoàn toàn phụ thuộc vào đàm phán, thương lượng của công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp khi tổ chức đối thoại. Công đoàn nào “mạnh”, thương lượng tốt, chủ doanh nghiệp hợp tác sẽ mang lại nhiều phúc lợi cho công nhân, lao động, trong đó có bữa ăn ca. Như tại Công ty TNHH YJ Link Vina (Khu công nghiệp An Dương), suất ăn trị giá tới 40 nghìn đồng/bữa. Bữa ăn ca tại Công ty TNHH Synztec (Khu công nghiệp Nhật BảnHải Phòng) cũng khá ngon. Chị Lê Thùy Giang, công nhân công ty cho biết, với 23 nghìn đồng/bữa, nhà bếp thường xuyên thay đổi món ăn, nhiều người không ăn hết phần khẩu phần.

 

 

 

Bữa ăn ca của công nhân Công ty TNHH Synztec (Khu công nghiệp Nhật Bản- Hải Phòng). 

 

Cần thiết quy định “cứng” trong Bộ luật Lao động

Tại “Diễn đàn Người lao động năm 2023”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng kiến nghị của công nhân, lao động đưa nội dung bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động là chính đáng, cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Bộ luật Lao động hiện hành quy định đối thoại tại nơi làm việc, trong đó người sử dụng lao động và đại diện người lao động (Công đoàn) tổ chức đối thoại những nội dung hai bên quan tâm. Việc lựa chọn nội dung đối thoại còn tùy thuộc vào các bên và bữa ăn ca được khuyến khích đưa vào thương lượng, có thể đạt hoặc không đạt mục tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu đề xuất bổ sung quy định bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động trong quá trình xem xét sửa đổi các quy định liên quan. Thực tiễn sinh động về bữa ăn ca, sự thương lượng, đàm phán của công đoàn sẽ giúp cơ quan soạn thảo, giám sát hoàn thiện về quy định này trong tương lai.

 

Về phía LĐLĐ thành phố, theo Phó chủ tịch Đào Thị Huyền, trong khi chờ kiến nghị của công nhân, lao động được các cơ quan xem xét, tiếp thu, đưa vào Bộ luật Lao động, các cấp công đoàn tiếp tục tập trung cao thực hiện hiệu quả Kết luận số 03 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2016 về “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Trong đó, các cấp Công đoàn phát huy vai trò trong đàm phán, thương lượng tập thể với chủ doanh nghiệp, đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. LĐLĐ thành phố, công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ công đoàn trong thương lượng, đàm phán trực tiếp, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm phấn đấu đưa nhiều nội dung có lợi hơn đối với người lao động vào thỏa ước, trong đó có nội dung bữa ăn ca của người lao động./.