Dịch bệnh xuất hiện trên cây chuối: Nguy cơ cao mất mùa vụ chuối Tết
Người dân xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên) lo lắng vì chuối bị bệnh héo vàng lá.
(HPĐT)- Những ngày gần đây, người dân ở một số vùng chuyên canh trồng chuối đứng ngồi không yên vì bệnh lạ xuất hiện trên cây chuối khiến cây úa vàng, rũ lá… Nông dân lo lắng nếu bệnh không sớm được khống chế kịp thời, nguy cơ Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ không có nguồn cung chuối Tết.
Bệnh lây lan nhanh
Vào thời điểm này, tại xã An Sơn (Thủy Nguyên), một trong những vùng cung cấp chuối Tết lớn trên địa bàn thành phố, các cây chuối đang vào buồng đẫy quả. Những năm trước, vào thời điểm này, nông dân thường tập trung cao việc chăm sóc để cây có đủ dinh dưỡng, sinh trưởng phát triển tốt, cho kịp thu hoạch quả vào dịp Tết. Nhưng năm nay, mặc dù bà con vẫn tích cực chăm sóc cây nhưng nhiều vườn chuối cứ úa vàng, rũ lá. Bà Lại Thị Hồng, Trưởng thôn 12 (xã An Sơn) cho biết, gia đình bà trồng 500 cây chuối, nhưng nửa tháng nay, cây bị vàng lá rồi rũ xuống. Nhiều vườn chuối khác của bà con trong thôn cũng bị hiện tượng trên. Theo Chủ nhiệm HTX nông nghiệp An Sơn Vũ Hồng Hải, thôn có gần 30 ha trồng chuối chuyên canh phục vụ Tết Nguyên đán, nhưng hiện có 50% diện tích bị bệnh, lá rũ xuống, một số cây bị bệnh nặng có thể bị chết. Diện tích cây bị bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Đặc biệt, tốc độ lây lan của bệnh khá nhanh.
Vùng trồng chuối Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) có diện tích trồng chuối khoảng gần 100 ha. Cây chuối ở đây cũng có hiện tượng tương tự như ở xã An Sơn. Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Liên Khê Ngô Văn Giang cho biết, hiện có khoảng 60% diện tích chuối bị nhiễm bệnh ở mức độ bình thường, 10-20% diện tích chuối nhiễm bệnh mức độ nặng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, nhận được tin báo của nông dân một số vùng trồng chuối về việc chuối bị bệnh lạ, cán bộ chi cục đến địa phương để khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy, tại xã An Sơn, Liên Khê, diện tích chuối bị bệnh nhiều nhất, chủ yếu là chuối tiêu. Ở một số vùng trồng chuối khác ở các xã: Tây Hưng (huyện Tiên Lãng), Trường Thành, Trường Thọ, Bát Trang (huyện An Lão)…cũng rải rác xuất hiện bệnh này. Theo phản ánh của nhiều bà con nông dân, nếu cây chuối bị bệnh mà chưa được khống chế sớm sẽ rất dễ mất mùa vụ chuối Tết.
Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật Hải Phòng Nguyễn Thị Lan cho biết, qua kiểm tra thực tế, các vườn chuối chuyên canh đang bị bệnh héo vàng lá chuối. Bệnh này do vi khuẩn nấm Fusarium osyparum gây ra. Nguồn lây bệnh này có thể do cây giống nhập về đã xuất hiện nấm bệnh hoặc lây qua môi trường đất có nấm bệnh, hoặc nguồn nước có bào tử nấm… Bệnh khiến các cây chuối bị héo vàng từ lá dưới lên lá trên, dần dần chết rũ. Cây bị bệnh thường không cho thu hoạch quả hoặc có thể thu hoạch nhưng chất lượng quả rất kém. Bệnh lây lan nhanh và có thể gây hại đến 80% diện tích trồng chuối nếu không được xử lý kịp thời.
Phối hợp để phòng và điều trị bệnh kịp thời
Với số lượng cây mắc bệnh trong vườn chuối khá nhiều, người dân xã An Sơn và Lưu Kiếm (Thủy Nguyên) tự mua một số thuốc trị bệnh theo giới thiệu của một số người có kinh nghiệm trồng và điều trị bệnh cho chuối.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng Lê Việt Cường cho biết, bệnh héo vàng lá chuối không chỉ gây hại vào thời điểm này, mà có thể phát sinh ở các vụ sản xuất sau. Vì vậy,nông dân phải tuyệt đối làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc điều trị bệnh trước mắt và phòng bệnh lâu dài cho các vụ sau. Trước mắt, đối với các vườn chuối bị bệnh, phải sử dụng chế phẩm trừ nấm Trichodema bằng cách tưới vào vùng rễ của chuối. Đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp cây đã bị bệnh, việc trừ bệnh bằng thuốc chỉ có tác dụng nhất thời, hiệu quả không cao. Về lâu dài, phải phòng trừ bệnh từ gốc rễ, khi bắt đầu trồng, phải kiểm soát nguồn giống; thường xuyên vệ sinh ruộng, vườn. Đặc biệt, chú ý phòng trừ dịch bệnh ngay từ khâu làm đấtbằng cách bón vôi, phân chuồng hoai mục cùng với chế phẩm trừ nấm Trichodema; bón phân cân đối để bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, bà con nên luân canh đất, không nên trồng liên tục nhiều vụ một loại chuối, có thể luân canh trồng chuối tây xen lẫn vụ trồng chuối tiêu để hạn chế phát sinh nấm bệnh trong đất…
Ngay sau khi phát hiện các vùng trồng chuối bị bệnh, lãnh đạo địa phương, phối hợp với Phòng Nông nghiệpPhát triển nông thôn huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách phòng trừ bệnh này, hạn chế bệnh phát sinh, phát triển trong những mùa vụ sau. Các cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng cũng tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu về tác hại của loại bệnh này, chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để phòng, trừ bệnh kịp thời. Chi cục cũng khuyến cáo nông dân không được tự ý mua thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục để phun khi cây chuối đã bị bệnh./.