Đoàn kết, bác ái, góp sức xây dựng quê hương
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG LẦN THỨ 8, NHIỆM KỲ 2022-2027
Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hồng Bàng tặng giấy khen các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo trên địa bàn quận giai đoạn 2017-2022.
(HPĐT)- 5 năm qua, đồng bào Công giáo thành phố tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người, sức của xây dựng thành phố, quê hương, thực hiện tốt tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Tích cực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương
Thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2017-2022, đồng bào Công giáo ở các giáo xứ, giáo họ các địa phương hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng bào Công giáo khu vực ngoại thành tự nguyện hiến đất mở mang, hoàn thiện hệ thống đường giao thông và hạ tầng nông thôn mới, góp sức, góp công xây dựng đường, cầu, cống, nhà văn hóa, khu vui chơi. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ tích cực dồn đổi ruộng đất hình thành các cánh đồng lớn, phát triển nhiều trang trại, gia trại giải quyết việc làm cho bản thân, gia đình và nhiều người lao động, nâng cao thu nhập. Như tại huyện Vĩnh Bảo, bà con các giáo xứ Nam Am, Xuân Điện, Liêm Khê, Thiết Tranh chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu, trồng ớt, với hàng nghìn ha, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Các xứ, họ giáo trong huyện có 42 trang trại, 138 gia trại, vùng nuôi thủy sản, nuôi rươi… cho thu nhập 300-700 triệu đồng/trang trại/năm. Hay như huyện Tiên Lãng, các Ban chánh trương, Ban hành giáo xứ Tiên Đôi vận động giáo dân hiến đất làm đường giao thông, cải tạo nghĩa trang, khuôn viên nhà thờ, sân thể thao…, với tổng diện tích đất hiến 36.000 m2, đóng góp khoảng 800 triệu đồng. Ban hành giáo và linh mục xứ Đông Côn vận động giáo dân làm đường bê tông 4 ngõ, xóm chiều dài 350m, kinh phí 1,2 tỷ đồng…
Đối với giáo dân khu vực nội thành, vừa góp sức chỉnh trang đô thị, giữ gìn môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, nhiều giáo dân đầu tư phát triển kinh tế, thành lập các doanh nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động như: Công ty bê tông Phúc Tiến (giáo họ Cống Mỹ), Công ty vận tải biển An Phú, Công ty TNHH Tachico Tâm Chiến (giáo xứ An Hải)…; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, thành phố. Giáo dân đồng thời quan tâm xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa chăm lo khuyến học, khuyến tài, không để trẻ em bị thất học do hoàn cảnh khó khăn. Trong sự phát triển chung của các địa phương, thành phố, có sự đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo.
Nhân lên nghĩa cử bác ái
Bên cạnh chăm lo xây dựng gia đình, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, bà con giáo dân và các linh mục, tu sĩ còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người cô đơn, tàn tật, trẻ em mồ côi. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các gia đình giáo dân huyện Vĩnh Bảo đều góp gạo chuyển về Tòa Giám mục, từ đó hỗ trợ người khó khăn, các cơ sở bảo trợ xã hội, với tổng giá trị tiền, quà 5 năm qua đạt hơn 5,8 tỷ đồng. Ban Caritas giáo xứ Đông Xuyên (huyện Tiên Lãng) vận động xây mới 3 nhà, sửa chữa 1 nhà người nghèo tổng trị giá 515 triệu đồng; hỗ trợ 10 kg gạo/tháng đối với 145 người. Giáo xứ Lãm Hà (quận Kiến An) vận động các nhà hảo tâm, các hội, đoàn ủng hộ kinh phí nấu cháo từ thiện hỗ trợ các bệnh nhi và người thân khó khăn điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng 3 lần/ tuần… Trong hoạt động từ thiện, có thể kể đến những điển hình tiêu biểu như linh mục Nguyễn Văn Vang, Giám đốc Ban Caritas Hải Phòng đích thân vận động các nhà hảo tâm, các giáo xứ giúp kinh phí, thực phẩm duy trì quán cơm 5 nghìn đồng giúp người bệnh và người nhà người bệnh nghèo, người khó khăn cơ nhỡ, vận động tiền, hiện vật, lập “Siêu thị 0 đồng” giúp người nghèo trong đại dịch COVID-19 hơn 5 nghìn suất quà, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng…
Đối với các việc nghĩa tình, từ thiện, không kể bên giáo hay bên lương, người dân đều tích cực tham gia. Đồng bào Công giáo các xứ phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, hằng năm tham gia ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm sóc gia đình chính sách, người có công, xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… Kỷ niệm Ngày Thương binhLiệt sĩ hằng năm, các linh mục xứ tổ chức dâng lễ cầu nguyện các liệt sĩ tại nhà thờ; các Ban chánh trương, Ban hành giáo tổ chức các Hội đoàn và giáo dân dâng hương, dâng lễ tại nghĩa trang liệt sĩ, thể hiện tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng thành phố ngày một phát triển.
Trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố được khẳng định khi luôn đoàn kết, thống nhất, dân chủ bàn bạc, chủ động đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình các xứ, họ giáo trên địa bàn thành phố. Ủy ban Đoàn kết Công giáo cũng phối hợp, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết lương- giáo đồng hành dân tộc sống “tốt đời đẹp đạo”./.