Đổi mới kiểm tra, đánh giá ở bậc THCS, THPT: Giảm áp lực cho học sinh

02:26 CH 05/10/2020

 

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong làm bài kiểm tra đánh giá năng lực theo hình thức trực tuyến.

                                       

(HPĐT)- Từ năm học 2020 - 2021, học sinh THCS, THPT được kiểm tra, đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, theo Thông tư 26 của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) thay đổi lớn nhất là bỏ bài kiểm tra 1 tiết, nhưng tăng đánh giá, nhận xét của giáo viên trong từng môn học. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể áp lực về điểm số, khích lệ học sinh tiến bộ, tăng năng lực ứng dụng kiến thức học được vào thực tế.

 

Đánh giá không chỉ bằng điểm số

 

Một trong những điểm mới của Thông tư 26 là tổng số đầu điểm kiểm tra, đánh giá với học sinh giảm. Đơn cử, năm học trước, với môn Toán, ngữ văn, học sinh có 3 bài kiểm tra 1 tiết/học kỳ. Năm học này, ở mỗi môn học, học sinh chỉ có một bài kiểm tra giữa học kỳ và một bài kiểm tra cuối học kỳ, không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng hơn. Với quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến, với các hình thức như hỏi - đáp, viết, thực hành, dự án học tập... Điểm khác biệt nữa là bên cạnh hình thức viết trên giấy, bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ có thể được thực hiện trên máy tính.

 

Đề cập Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi thông tin, tất cả môn học ở cấp THCS, THPT đều áp dụng đánh giá kết hợp giữa nhận xét với điểm số. Quá trình nhận xét tập trung ghi nhận sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập của học sinh. Thông tư còn quy định hình thức khen thưởng với học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. Đây là điểm tích cực, làm thay đổi cách nhìn nhận về kiểm tra, đánh giá theo hướng động viên, khích lệ sự cố gắng của từng học sinh.

 

Đặc biệt, Thông tư 26 đưa môn ngoại ngữ có tầm quan trọng không kém môn toán, văn trong đánh giá học sinh. Cụ thể, để đạt học sinh giỏi phải có điểm của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0; học sinh khá thì phải có điểm của 1 trong 3 môn từ 6,5 trở lên. Việc bổ sung môn ngoại ngữ vào đánh giá học sinh được dư luận đánh giá cao, bởi đây là 1 trong 3 môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, nhằm khuyến khích học sinh hứng thú và đầu tư nhiều hơn cho môn học, hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ học sinh thời đại 4.0.

 

Anh Trần Nhật Hùng, có con học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) cho biết: Tôi mong rằng sự điều chỉnh này của Bộ GD-ĐT sẽ được các nhà trường thực hiện tốt, qua đó giảm áp lực về mặt điểm số đối với học sinh vàcác bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ sẽ không đòi hỏi con phải đạt điểm tốt, điểm giỏi, mà thông qua những nhận xét của thầy, cô để ghi nhận sự tiến bộ của con mình, từ đó hỗ trợ, động viên con cố gắng.

 

Tác động tích cực với cả thầy và trò

 

Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố đều tập trung triển khai, quán triệt nội dung Thông tư 26 tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, vì quyền lợi của học sinh. Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cát Hải Tô Thị Khâm cho biết, yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên cần hiểu rõ mục đích, của việc đánh giá, từ đó định hướng đúng trong quá trình thực hiện, tránh cho điểm hình thức, nhận xét chung chung, đặt ra vớicoi trọng việc động viên, khuyến khích học sinh tiến bộ.

 

Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An (quận Kiến An) Đinh Hồng Tiệp cho biết, việc đa dạng hình thức kiểm tra, áp dụng đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số khiến giáo viên vất vả, phải quan tâm, sát sao hơn để bảo đảm kết quả đánh giá công bằng, thực chất vì sự tiến bộ của học sinh. Sự điều chỉnh này cũng đặt ra yêu cầu giáo viên chủ động, vận dụng sáng tạo các hình thức đánh giá, giúp học sinh hình thành năng lực, chứ không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết. Để thực hiện tốt quy định này, nhà trường tổ chức nhiều cuộc tập huấn, lựa chọn, sắp xếp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đủ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm hướng đến việc đánh giá, xếp loại học sinh đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tuy nhiên, năm học mới đã bắt đầu được gần 1 tháng, các em học sinh mong muốn các thầy, cô giáo sớm công bố công khai tiêu chí đánh giá trước khi tổ chức kiểm tra bài thực hành, dự án học tập… để sớm có định hướng học tập.

 

Trước băn khoăn của một số địa phương về những khó khăn khi tổ chức bài kiểm tra trên máy tính, mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với các Sở GD-ĐT trên toàn quốc, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Sái Công Hồng nhấn mạnh, quá trình triển khai các hình thức kiểm tra, đánh giá cần linh hoạt, không cứng nhắc. Việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính chỉ áp dụng khi có đủ điều kiện. "Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên các địa phương đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; xây dựng và sử dụng ma trận đề bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ bảo đảm mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của từng môn học và áp dụng thống nhất trên cả nước", ông Sái Công Hồng thông tin thêm.