Giám sát của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đối với người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị: Phòng ngừa khuyết điểm, bảo vệ cán bộ “từ sớm, từ xa” (Kỳ 1)
(HPĐT)- Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, được sự đồng ý về chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, từ năm 2022 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức giám sát người đứng đầu là bí thư, chủ tịch các quận, huyện, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Đây là một “kênh” quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, đánh giá cán bộ. Quan trọng hơn nữa, góp phần giúp người được giám sát nhận thức rõ ưu, khuyết điểm, từ đó phát huy ưu điểm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đồng thời khắc phục, sửa chữa kịp thời hạn chế, khuyết điểm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn. Nói cách khác là phòng ngừa “từ sớm, từ xa” các sai phạm có thể dẫn tới “mất cán bộ”.

Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng luôn nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Ảnh: XUÂN PHÚ
Kỳ 1: Giám sát thực chất, hiệu quả rõ rệt
Xác định công tác giám sát người đứng đầu là việc khó, khi thực hiện phải hết sức cẩn trọng, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hoàn thành các nội dung giám sát với cách làm bài bản, công tâm, khách quan và đạt hiệu quả cao.
Chỉ rõ, nói thẳng
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng là một trong 4 bí thư, chủ tịch, giám đốc sở, ngành được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố lựa chọn giám sát năm 2022- năm đầu triển khai thực hiện giám sát người đứng đầu. Qua thực tế làm việc, đoàn giám sát ghi nhận, với trách nhiệm là người đứng đầu Đảng bộ huyện, đồng chí Mai Phương không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; cùng với tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương. Đồng chí cũng sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, tình hình nhân dân ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp, điểm nóng về chính trị, xã hội; dân chủ ở cơ sở được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường…
Đánh giá cao những kết quả đạt được của cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ huyện Tiên Lãng, đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế, đề nghị đồng chí cần lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường sâu sát cơ sở hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến của người dân. Đồng thời tập trung giải quyết một số vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn, như công tác quản lý đất đai, tài chính, môi trường còn xảy ra vi phạm tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị; một số ít cán bộ, đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, thực hiện kỷ luật công vụ chưa nghiêm túc, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật; xảy ra một số vụ việc khiếu kiện tranh chấp đất đai kéo dài, vượt cấp.
Khi công bố dự thảo kết luận giám sát đối với đồng chí Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch giám sát người đứng đầu theo Thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình giám sát và phản biện xã hội năm 2022 của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội thành phố, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị đồng chí phát huy mặt mạnh, ưu điểm của bản thân, đồng thời tiếp thu, khắc phục những hạn chế được đoàn chỉ ra. Trong bối cảnh lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhiều vụ việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài của người dân, đồng chí Giám đốc và Ban giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ động tham mưu thành phố những cơ chế, chính sách có tầm hơn nhằm quản lý khoa học, hiệu quả cao lĩnh vực này.
Theo Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, thành viên đoàn giám sát, “cái được” nhất qua các đợt giám sát người đứng đầu là các thành viên đoàn “nói thẳng, nói thật”, chỉ rõ ưu, khuyết điểm của người được giám sát trên tinh thần xây dựng. Không nói những lời xuôi chiều, “êm tai”, chỉ khen thành tích, ưu điểm của người đứng đầu, mà đoàn tập trung trao đổi thẳng thắn về các khuyết điểm, hạn chế trong việc tu dưỡng, rèn luyện cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao của người được giám sát. Có trường hợp thành viên đoàn chỉ rõ người đứng đầu được giám sát thiếu tập trung dân chủ, thiếu tôn trọng cấp phó, ngại tiếp dân, đưa nhiều người nhà, họ hàng vào làm việc tại cơ quan. Có người đứng đầu “dĩ hòa vi quý”; cũng có trường hợp cấp trưởng thiếu dứt khoát với cấp phó, chưa phân rõ vai, để cấp phó “lấn sân”… “Qua giám sát người đứng đầu, đoàn giám sát đưa ra nhận xét đối với cá nhân, nhưng qua đó cũng thấy được trách nhiệm của Ban Thường vụ, Thường trực quận, huyện ủy, Đảng ủy cơ quan, đơn vị, tại sao để xảy ra tình trạng đó? Tính chiến đấu, trách nhiệm của đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo đến đâu trong việc góp ý với đồng chí mình? Từ đó chỉ rõ, trong khuyết điểm của người đứng đầu có cả trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ quận, huyện ủy hoặc Đảng ủy cơ quan”, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải nhấn mạnh.
Trong hai năm 2022 và 2023, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức giám sát 9 trường hợp người đứng đầu, gồm 4 bí thư quận, huyện, 2 giám đốc sở, ngành, 2 chủ tịch quận và một thủ trưởng đơn vị sự nghiệp. Tất cả trường hợp đều thực hiện giám sát trên 3 nội dung: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú quy định tại Điều 2, Quy định 213/2020 của Bộ Chính trị (khóa 12).
“Trưởng thành” hơn từ việc được giám sát
Kết quả quan trọng của hoạt động giám sát người đứng đầu do Đoàn giám sát Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiến hành là chỉ ra các ưu, khuyết điểm, giúp người được giám sát hiểu rõ những hạn chế, thiếu sót bản thân cần khắc phục để thực hiện chức trách, nhiệm vụ tốt hơn. Thông qua giám sát không chỉ giúp cá nhân người đứng đầu nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình, còn giúp Thường trực, Ban Thường vụ quận, huyện ủy, UBND quận, huyện, Đảng ủy cơ quan, đơn vị thấy được trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, từ đó củng cố, vun đắp khối đoàn kết và chung tay xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển ngày càng vững mạnh.
Theo đồng chí Cao Xuân Liên, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Trưởng Đoàn giám sát trong các năm 2022-2023, giám sát người đứng đầu diện Thành ủy quản lý được xem là “việc khó” vì liên quan đến từng con người cụ thể. Do đó, công tác này phải nhận được sự đồng thuận cao, được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến một cách bài bản. Việc giám sát phải tránh trùng lặp về nội dung giám sát; tiến hành trong thời gian dài đủ để tìm hiểu kỹ lưỡng, lắng nghe “tiếng nói” từ cơ sở. Người được giám sát cũng thấy được đây là sự quan tâm của Thành ủy, giúp thủ trưởng đơn vị hoàn thiện hơn trong việc tự rèn luyện bản thân cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. “Người ta ai cũng có mặt mạnh, mặt hạn chế. Nếu không thẳng thắn chỉ ra, đồng chí của mình không thể nhận ra khiếm khuyết, hạn chế, rất dễ để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn”, đồng chí Cao Xuân Liên phân tích. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu được đoàn giám sát đề ra khi làm việc là không tạo cảm giác gây áp lực với người được giám sát; không làm xáo trộn hoạt động điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị, cũng như không làm xáo trộn đời sống của người được giám sát tại nơi cư trú.
Trên thực tế, các trường hợp được giám sát đều trưởng thành hơn về nhận thức, từ đó phát huy thế mạnh đã được đồng nghiệp, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, cũng như có ý thức tự khắc phục hạn chế, thiếu sót được đoàn giám sát chỉ ra. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng chia sẻ: “Qua góp ý của các đảng viên nơi cư trú, các đồng chí cùng công tác, làm việc, là những người gần gũi hằng ngày, tôi nhận thức rõ hơn những thế mạnh của mình để phát huy, hạn chế cần rút kinh nghiệm, qua đó tiếp thu hoàn thiện bản thân”. Hiện đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Lãng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác để huyện đạt được những kết quả cao về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra.
Hay trường hợp đồng chí Nguyễn Cao Lân, nguyên Bí thư huyện ủy An Lão, sau khi được giám sát thêm trưởng thành, vững vàng trong công tác. Đầu năm 2024, đồng chí được Thành ủy điều động làm Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Đảm nhận nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác mới, đồng chí phát huy được năng lực, quy tụ tập thể người lao động; phát huy dân chủ, chỉ đạo rõ ràng trong công việc, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Một số cơ chế, chính sách do Sở xây dựng, tham mưu thành phố ban hành được đánh giá cao, như chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn Hải Phòng giai đoạn 2024-2030.
Những đồng chí khác sau giám sát người đứng đầu đều có chuyển biến tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng như rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy vai trò nêu gương trong cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị.
Đánh giá về công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là hoạt động giám sát người đứng đầu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thời gian qua, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khẳng định, công tác này góp phần giúp hệ thống chính trị của thành phố và tình hình nhân dân ổn định, tạo khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ để tiếp tục đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng về phát triển trong khu vực, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đề ra. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Qua đó, có cơ sở để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ một cách thực chất, hiệu quả cao.
Kỳ 2: Cách làm bài bản, bảo đảm khách quan, nhiều chiều