Đưa tiếng Nhật vào trường học: Đón đầu thị trường nhân lực
(HPĐT)- Trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Phòng, Nhật Bản có tới hơn 140 dự án, với số vốn đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, thuộc tốp 3 quốc gia có số dự án và vốn đầu tư lớn nhất vào Hải Phòng. Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Hải Phòng còn tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Điều này đồng nghĩa nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp Nhật sẽ ngày càng lớn, góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Nhật trong các nhà trường ngày càng phát triển...
Mục tiêu rõ ràng
Với Phạm Hoàng Minh Trí, học sinh lớp 8C4, Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền), năm nay là năm thứ 3 em làm quen với tiếng Nhật. Trước đó, cấp mầm non và tiểu học, em được gia đình cho học tiếng Anh. Cấp THCS, ngoài tiếng Anh, em học thêm tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ hai. Chia sẻ lý do học thêm tiếng Nhật, Minh Trí cho biết, “qua sách báo em thấy Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp Nhật đến đầu tư, nhu cầu về lao động khá lớn. Do vậy, em chủ động sớm học tiếng Nhật để thuận tiện trong học tập, công việc sau này. Em đang đặt mục tiêu đỗ chuyên Nhật Trường THPT chuyên Trần Phú để có thể theo liên tục môn học này"...
Từng tham gia Cuộc thi diễn thuyết tiếng Nhật thành phố Hải Phòng lần thứ 8 năm 2024 khi còn là học sinh Trường THCS Trần Phú, đến nay, Bùi Gia Bảo Ngọc trở thành học sinh lớp 10 chuyên Nhật Trường THPT chuyên Trần Phú. Bảo Ngọc thông tin: Phần lớn các bạn trong lớp đều học song song ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật. Các bạn học thêm tiếng Nhật nhằm phục vụ định hướng nghề nghiệp sau này. Bảo Ngọc bày tỏ mong muốn đi du học tại Nhật sau khi kết thúc 3 năm THPT. Khi đó, cơ hội nghề nghiệp, việc làm của em sẽ rộng mở hơn.
Theo thầy Trịnh Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An: Năm học 2024-2025 là năm thứ 10 tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy tại nhà trường, với quy mô số học sinh ngày càng tăng theo từng năm. 10 năm qua, thầy trò nhà trường gặt hái nhiều thành công với nhiều học sinh đỗ vào chuyên Nhật Trường THPT chuyên Trần Phú, chuyên ngữ của Đại học Ngoại ngữ, đạt học bổng du học tại Nhật Bản. Riêng năm học 2023- 2024 là năm đầu tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Nhật, học sinh của trường đoạt 9 giải. Quan trọng hơn, đưa bộ môn tiếng Nhật vào giảng dạy góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh nhà trường tự tin, rộng mở cơ hội phát triển trong tương lai. Ở cấp THPT, Marie Curie là trường không chuyên duy nhất trên địa bàn dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 từ năm học 2015-2016. Theo Chủ tịch Hội đồng trường Hoàng Xuân Khóa, hiệu quả học tập của học sinh khá rõ nét, nhiều em sau khi ra trường làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng, hoặc tiếp tục học tiếng Nhật ở các trường đại học trong nước và một số sang Nhật Bản học đại học, cao đẳng...
Tích cực gỡ khó
Hiện, Hải Phòng có khoảng hơn 20 trường học các cấp đưa tiếng Nhật vào giảng dạy dưới hình thức ngoại ngữ 1, 2 hoặc câu lạc bộ. Quá trình giảng dạy các trường gặp không ít khó khăn, nhất là tìm nguồn giáo viên. Để gỡ khó, bảo đảm ổn định công tác dạy học, ngoài tuyển dụng và ký hợp đồng, các trường còn liên kết tìm nguồn giáo viên. Như Trường THCS Chu Văn An có 2 giáo viên tiếng Nhật gồm một giáo viên tốt nghiệp khoa tiếng Nhật và một giáo viên hợp đồng. Ngoài ra, trường tích cực phối hợp Sở Ngoại vụ, các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục để có nguồn giáo viên thỉnh giảng, cộng sự giúp học sinh được giao lưu với người bản xứ, phát triển các kỹ năng nghe nói... Với các Trường: Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng), Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân), Lê Lợi (quận Hải An) hay THCS Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên)..., do chưa bảo đảm nguồn giáo viên nên mới duy trì ở hình thức câu lạc bộ. Mong muốn của các trường có định biên giáo viên tiếng Nhật, từ đó, có cơ sở tuyển dụng để ổn định đội ngũ, thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Nhật. Còn với Trường THPT Marie Curie, do chương trình tiếng Nhật 7 năm của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phải dạy trong 3 năm nên mỗi tuần phải bố trí dạy 9 tiết gây áp lực cho cả thầy và trò, đồng thời ảnh hưởng đến thời gian học các môn học khác. Để gỡ khó, nhà trường đang xây dựng đề án xin phép thành phố chuyển đổi từ mô hình trường THPT thành trường phổ thông nhiều cấp để đào tạo từ cấp THCS, giúp học sinh học 7 năm thay vì 3 năm như hiện nay...
Hiện, để thúc đẩy phong trào học tiếng Nhật, Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tùy điều kiện thực tế, sắp xếp, tổ chức dạy tiếng Nhật tại đơn vị. Về thiếu giáo viên, Sở tăng cường kết nối thông tin giữa nhà trường có nhu cầu với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn hợp đồng với giáo viên tiếng Nhật phù hợp. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: Sở cũng tích cực tham mưu cơ quan chức năng bổ sung biên chế giáo viên ngoại ngữ; đẩy mạnh kết nối, hợp tác, tranh thủ các dự án, nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với ngoại ngữ này nhiều hơn nữa.