Hải Phòng, ngày 16-4-1972 rực lửa (Kỳ 2)

04:43 CH 17/04/2022

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI- ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12-1972 – 12-2022)

 

 

 

Một khu dân cư tại Thượng Lý bị B52 Mỹ ném bom hủy diệt ngày 16-4-1972 (ảnh tư liệu).

 

 

(HPĐT)- Trong khi ta nỗ lực tận dụng thời gian để bảo vệ tính mạng nhân dân, lũ giặc trời thi nhau rút ngắn cự ly giữa chúng với mục tiêu oanh tạc. Từng tốp, từng tốp B52 nối đuôi nhau vào vùng biển Đông Bắc, bay thẳng vào vùng trời, dãy núi Yên Tử rồi hạ thấp độ cao và phóng bom. Mặt đất còn ngỡ ngàng thì hàng chục quả bom đã dội xuống. Cả một dải đất dài từ bến Lâm Động qua các xã Hùng Vương, kho dầu, nhà máy xi măng, phát điện… Khu dân cư Thượng Lý, Hạ Lý rộng 3,2 km2, vốn san sát những mái nhà, rợp bóng cây xanh bị bom Mỹ san bằng không còn một nóc nhà, một cây xanh nào đứng vững, mặt đất chi chít hố bom. Không biết bao nhiêu đồng bào ta bị vùi lấp dưới đống hoang tàn, bao nhiêu người thịt nát xương tan.

Khu phố Hồng Bàng phải hứng chịu trận ném bom dữ dội của giặc Mỹ, vượt xa những phương án đối phó đã chuẩn bị. Giữa đêm tối mịt mùng, đoàn tiền trạm giải quyết hậu quả trận đánh do Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính khu làm chỉ huy trưởng cùng bộ đội, công an, các đội dân phòng, cứu thương, cứu nạn… tới tấp đến hiện trường. Gần về sáng, càng có thêm nhiều lực lượng đến tăng viện, đó là những đội ứng cứu của các khu phố bạn, xí nghiệp kế cận đã có sự hiệp đồng giúp đỡ nhau khi lâm nạn. Với tinh thần thương người như thể thương thân, những người cứu nạn làm việc không tiếc sức mình, không một phút ngừng tay, hết đưa người bị thương ra nơi cấp cứu, lại tìm thi hài người tử vong do bom Mỹ. Cán bộ cơ sở cùng cảnh sát khu vực cố xác định danh tính từng người bị nạn, nhận rõ từng căn nhà bị phá hủy, sơ bộ tính được trên khu mình, ngõ mình có bao nhiêu người sống sót, bao người phải yên nghỉ vĩnh hằng. Người nào cũng muốn làm được nhiều, được nhanh hơn nữa để cứu nạn. Cô y tá công trường H27 một mình bới gạch tìm kiếm đến xước cả 10 đầu ngón tay, vẫn chưa tìm thấy Ban chỉ huy mà trước đó không đi sơ tán; cán bộ công đoàn Kho dầu Thượng Lý nhẹ nhõm, yên tâm vì khu tập thể của mình không có người bị nạn, khi đã sơ tán triệt từ 2 giờ trước. Bỗng họ đứng sững lại trước đống sắt còn nghi ngút khói, đó là xe của một đồng chí làm nhiệm vụ chuyên chở công nhân đi sơ tán, dành chuyến cuối cùng cho gia đình mình thì tai họa ập đến, cả 4 người vĩnh viễn ra đi. Đồng chí Đặng Văn Ta, cảnh sát khu vực Đồn Thượng Lý chở được nhiều người bị thương ra khỏi bãi bom, vẫn xông xáo vào những đống đổ nát để tìm người, lưng cõng cụ già, tay bế em bé. Đồng chí Vũ Hải, Khu đội trưởng Hồng Bàng, vác không biết mấy chục thi hài mà từ đầu đến chân sạm màu máu đỏ.

Tám giờ sáng, công việc tìm kiếm cứu nạn ở các khu Thượng Lý, Hạ Lý, Xi Măng, Sở Dầu còn đang bề bộn, thì máy bay Mỹ lại xộc vào, bắn tên lửa, dội bom vào một số khu vực B52 đã đánh đêm qua. Tiếp đến, giặc oanh tạc một số khu dân cư thuộc các khu phố Ngô Quyền, Lê Chân. Ngoài biển, 4 tàu chiến của hạm đội 7 xối xả nã đạn vào các làng ven biển. Nhờ có báo động kịp thời và được làng chiến đấu che chở, bà con ở các làng xóm ven biển bị thiệt hại không nhiều.

Trận chiến đấu với dã tâm của giặc Mỹ hủy diệt một phần thành phố kéo dài từ 2 giờ sáng đến 16 giờ chiều đã kết thúc. Lần đầu Hải Phòng đối đầu với không quân chiến lược Hoa Kỳ, nhưng cũng lần đầu Hải Phòng tiêu diệt một pháo đài bay B52 có tiếng là “bất khả xâm phạm”. Lũ máy bay cường kích chiến thuật bậu sậu, ăn theo cũng có tới 9 chiếc phải nộp mạng. Hạm đội 7- niềm tự hào trên đại dương của Hải quân Mỹ cũng có tàu bị pháo bờ biển Hải Phòng bắn cháy phải rút chạy.

Theo thường lệ, còi tầm thành phố nổi lên hòa cùng còi tàu ngoài bến cảng mừng chiến thắng Hải Phòng.

Lúc này, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và cơ quan Quân khu Ba đến thăm một số nơi bị địch bắn phá vừa qua.

Tại thôn Phúc Lộc, xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy, đồng chí Phó tư lệnh Chính trị đặt câu hỏi: Một làng nhỏ bé ngoại thành ở xa trung tâm thành phố đến 10 km, không có vị trí quân sự, không có đèn chiếu sáng tại sao bị B52 hủy diệt? Vì thiếu phòng bị chu đáo nên 120 đồng bào bị nạn, tài sản tan hoang.

Tham mưu trưởng Quân khu thăm khu vực Cầu Tre, Thái Phiên- nơi bị máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá buổi sáng 16-4, nhưng thiệt hại cũng nặng nề không kém nơi bị máy bay B52 oanh tạc. Qua tìm hiểu các sự việc, Bộ tham mưu Quân khu thấy rõ nguyên nhân của tổn thất là do địch đánh tập trung với hỏa lực mạnh vào một vài điểm đông dân cư nhất, mặt khác khu phố chấp hành lệnh sơ tán chưa nghiêm, tổ chức sơ tán còn nhiều thiếu sót.

Đồng chí Tư lệnh Quân khu Ba đến thăm khu vực đường 5, khu phố Hồng Bàng, những trọng điểm đánh phá hủy diệt của địch. Thăm Nhà máy điện Thượng Lý, Nhà máy xi măng, Kho dầu Thượng Lý, Tư lệnh thấy ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần dũng cảm “Bám máy, bám lò”, tính sáng tạo trong tổ chức phòng tránh, sơ tán, tổ chức công nhân sản xuất của các đơn vị nên đã tránh được nhiều thiệt hại do địch gây nên. Nhà máy điện Thượng Lý vẫn giữ nguyên các bức tường bao bọc xưởng máy, lò, buồng vận hành than từ chiến tranh phá hoại lần thứ nhất để lại, nên khi bom nổ gần vẫn giữ vững sản xuất. Nhà máy xi măng có nhiều hầm hố kiên cố bằng xi măng cốt thép để công nhân trú ẩn dưới các cầu thang máy đá, dây chuyền, nhà nhiều tầng, hạn chế được nhiều thiệt hại. Tại khu dân cư Thượng Lý, Hạ Lý…, đồng chí Tư lệnh vô cùng xúc động và kính cẩn nghiêng mình trước thi hài những đồng bào bị bom Mỹ sát hại đặt bên lề đường, chuẩn bị mai táng. Khu đội trưởng Hồng Bàng quần áo còn bê bết máu, dẫn đường Tư lệnh vào thị sát hiện trường bãi bom. Sau khi chia buồn với các gia đình và chính quyền địa phương, đồng chí thăm hỏi mỗi tiểu khu có bao nhiêu dân trước giờ bom nổ, bao nhiêu người đi sơ tán, sơ tán đi đâu, đến bây giờ đã biết bao nhiêu người bị thương, bị thiệt mạng. Khu đội trưởng Vũ Hải rưng rưng nước mắt báo cáo Tư lệnh: “Thưa thủ trưởng, từ đêm đến giờ anh em chúng tôi sau khi cứu người bị thương đã tìm được hơn 400 người chết trên mặt đất”. Vậy trước giờ bom nổ, khu phố ta có bao nhiêu người ở nhà? Đồng chí công an cảnh sát khu vực báo cáo: “Những ngày hòa bình thường có 3,5 vạn nhân khẩu thường trú. Từ lúc có lệnh sơ tán đến trước giờ bom nổ, khoảng hơn 2 vạn người đã được sơ tán. Tuy nhiên, quá trình từ lúc máy bay chiến thuật giặc Mỹ ngừng bắn phá đến khi máy bay B52 ném bom rải thảm, chúng tôi không nắm được số người từ nơi sơ tán tạm lánh trở về. Bây giờ mới thấy thương vong của đồng bào ta quá lớn. Quả thật, chúng tôi thấy biện pháp sơ tán tuy ráo riết nhưng thực hiện còn nhiều hạn chế, để nhiều bà con trở lại nơi ở cũ”. Đồng chí Tư lệnh ôn tồn động viên cán bộ địa phương: “Chúng tôi biết các đồng chí rất cố gắng, rất kiên quyết thi hành chỉ đạo sơ tán, sơ tán hơn 2 vạn người trong 120 phút đồng hồ. Nếu không làm được như vậy thì thương vong còn lớn hơn nhiều”.

Trở về sở chỉ huy, Tư lệnh Quân khu quyết định tăng cường lực lượng cho Hải Phòng để giải quyết nhanh hậu quả trận đánh và ổn định đời sống nhân dân. Các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng mở rộng cơ sở y tế điều trị để tiếp nhận cứu chữa đồng bào bị nạn từ Hải Phòng. Các huyện Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên phát động các hợp tác xã nông nghiệp gom tre nứa, nguyên vật liệu để dựng nhà ở cho những gia đình bị bom Mỹ làm mất nhà trong trận ném bom hủy diệt vừa qua…

Ngày 17-4-1972, công nhân các xí nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức trở lại làm việc, học sinh trở lại trường lớp, quyết tâm “Một người làm việc bằng hai để bù lại những ngày phải ngừng trong chiến đấu”.

Đặc biệt xúc động, khi các đoàn chiến sĩ mới nhập ngũ đến viếng đồng bào bị tử nạn trong đêm ném bom hủy diệt vừa qua của đế quốc Mỹ. Đại diện mỗi đoàn đều đứng trước vong linh những người đã khuất, thề quyết tâm chiến đấu trên mọi chiến trường để trả thù cho thành phố thân yêu.

Chỉ một lời thề ngắn gọn của các chiến sĩ mới cũng đủ thể hiện: Hải Phòng không nhụt chí, không mất tinh thần trước hành động bạo tàn hủy diệt thành phố của quân xâm lược, quyết tâm xây dựng lại thành phố, quyết tâm chi viện cách mạng miền Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến thắng 16-4-1972 để lại cho quân, dân Hải Phòng nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá, vận dụng vào những trận chiến đấu tiếp theo chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ trên địa bàn thành phố.

Trước hết thấy rõ, với tinh thần cảnh giác cao độ, nắm bắt được diễn biến chiến sự, sự phát triển của tình hình chiến trường, Hải Phòng đã ra sức chuẩn bị đề phòng chiến tranh ngay trong những ngày hòa bình, chuẩn bị ngay từ khi kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất cho đến ngày mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Mọi việc chuẩn bị đề phòng chiến tranh đều được tiến hành theo quy hoạch, kế hoạch, kết hợp kinh tế với quốc phòng, thời bình với thời chiến, trước mắt và lâu dài. Chuẩn bị tích cực, chu đáo là giành một nửa thắng lợi trong chiến tranh, song phải cảnh giác cao, nhạy bén với tình hình chiến sự, diễn biến của chiến trường, nắm bắt được thông tin để xử lý kịp thời, chính xác.

Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Hải Phòng đã huy động toàn quân, toàn dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng tránh, sơ tán, giải quyết hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, khai thác thế mạnh của thành phố Cảng, thành phố công nghiệp để phục vụ cho công cuộc chiến đấu bảo vệ địa phương.

Trận đánh 16-4-1972 là trận tập kích đường không chiến lược đầu tiên của không quân Mỹ vào một thành phố đông dân của một nhà nước có chủ quyền, gây những tổn thất, hy sinh chưa từng có đối với đồng bào, chiến sĩ ta trong lịch sử chiến đấu bảo vệ thành phố. Quân và dân Hải Phòng với lực lượng phòng không hạn chế, với cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém khi đó, nhưng có tinh thần yêu nước nồng nàn, tự hào, tự tôn dân tộc, tính tổ chức, kỷ luật cao của giai cấp công nhân Việt Nam, đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu, chiến thắng âm mưu, dã tâm của địch. Từ truyền thống hào hùng đó, Hải Phòng chung sức, chung lòng, cùng cả nước kiên quyết đánh bại các kiểu chiến tranh phá hoại của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.