Hải Phòng, ngày 16-4-1972 rực lửa

04:06 CH 15/04/2022

Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" (12-1972 – 12-2022)

 

 

 

Nhà máy xi măng Hải Phòng bị máy bay Mỹ tàn phá. (ảnh tư liệu) 

 

LTS: Cách đây đúng 50 năm, bắt đầu từ 1 giờ 30 đêm 15 rạng ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ huy động 20 lần chiếc máy bay chiến lược B52, 170 lần chiếc máy bay cường kích chiến thuật, 4 tàu tuần dương và khu trục, ném hàng trăm tấn bom, bắn hàng nghìn quả đại bác, tên lửa, tàn phá hơn một nửa diện tích nội thành, thị trấn Đồ Sơn và 6 xã ven biển các huyện Kiến Thụy, An Hải.

 

Lần đầu trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 ném bom hủy diệt một thành phố lớn, đông dân, gây tội ác chồng chất đối với nhân dân Hải Phòng. Vượt lên đau thương, mất mát, biến căm thù thành hành động, quân và dân Hải Phòng trong một ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, mưu trí đã bắn tan xác 10 máy bay, trong đó có 1 B52, bắn cháy 1 tàu khu trục, đập tan âm mưu đánh phá tập trung, ồ ạt, hủy diệt ngay từ đầu của đế quốc Mỹ, đồng thời nỗ lực phòng tránh, sơ tán bảo vệ nhân dân, cứu chữa, khắc phục những thiệt hại về người và tài sản, nhà máy, cảng biển... do bom đạn địch gây ra trên địa bàn thành phố.

 

Trận chiến đấu và chiến thắng 16-4-1972 là trang sử chiến công chói lọi của thành phố Cảng “Trung dũng- Quyết thắng”. Cũng chính từ trận đầu đọ sức với máy bay chiến lược B52 trên bầu trời miền Bắc, những kinh nghiệm chiến đấu, nhiều vấn đề mới về tác chiến và phòng tránh B52 đã được đúc rút từ thực tiễn, góp phần tạo cơ sở quý báu để quân và dân ta đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội- Hải Phòng trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, lập nên chiến thắng “Hà Nội- Điên Biên Phủ trên không” lẫy lừng.

 

Nhân dịp này, Báo Hải Phòng trân trọng giới thiệu bài viết của đại tá LÊ TRỌNG CHUNG, nguyên Trưởng Phòng Công tác chính trị hậu phương Quân khu Ba về trận chiến đấu và chiến thắng ngày 16-4-1972 của quân và dân thành phố Hải Phòng.

 

Phản ứng trước cuộc tiến công chiến lược xuân- hè 1972 của quân và dân miền Nam, hòng cứu vãn sự thất bại không thể nào tránh khỏi của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cứu nguy cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ, đế quốc Mỹ đã bội ước, phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam.

 

Thế là sau 4 năm tạm thời có hòa bình (1968- 1972), miền Bắc lại lâm vào chiến tranh. Ngày 6-4-1972, mở màn cho cuộc chiến, giặc Mỹ huy động hơn 100 máy bay cùng tàu chiến đánh phá ác liệt khu vực Vĩnh Linh – Quảng Bình. Dư luận trong nước và thế giới kịch liệt lên án cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Ngày 10-4, các trận đánh phá ác liệt của Mỹ đã tiến đến thành phố Vinh; ngày 13-4-1972, máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm Thanh Hóa.

 

Trước đây, cuộc chiến tranh leo thang từng bước, có lúc đánh, lúc dừng của chính quyền Giôn-xơn đã công kích đến vĩ tuyến 20, ngay sau đó đánh tới Hải Phòng. Những kinh nghiệm đã tổng kết và qua theo dõi diễn biến của chiến trường, lãnh đạo Hải Phòng nhất trí với nhận định của Bộ và Quân khu: “Địch sẽ đánh phá lớn Hải Phòng ngay sau khi đánh Thanh Hóa”.

 

Ngày 1-4-1972, Hải Phòng cùng các tỉnh, thành phố được lệnh chuyển sang thời chiến, công tác chuẩn bị chiến đấu, phòng tránh, sơ tán nhân dân đã được triển khai nhanh chóng.

 

Riêng về sơ tán, phân tán bảo vệ lực lượng trong chiến tranh, tuy đã có kế hoạch, phương án thực hiện và được tập dượt nhiều lần, nhưng việc trong một thời gian ngắn phải cấp tốc di dời hơn 300 cơ quan, xí nghiệp cùng 18 vạn dân ra ngoại thành là cực kỳ khó khăn, khác hẳn với các cuộc sơ tán từng bước, từng khu vực trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Thường vụ Thành ủy chủ trương động viên các cơ sở sản xuất cùng nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức tự nguyện, tự giác, tự lực giải quyết việc sơ tán, phân tán lực lượng theo chỉ đạo của chính quyền thành phố với sự giúp đỡ của các ngành, các bộ từ Trung ương trở xuống, sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của thành phố để sơ tán, phân tán, song phải bảo toàn được lực lượng nhanh chóng, an toàn.

 

Tranh thủ thời gian địch chưa tấn công thành phố, cuộc di chuyển sơ tán, phân tán lực lượng tiến hành cả ban ngày và ban đêm. Qua 10 ngày khẩn trương thực hiện cuộc di dời to lớn chưa từng có trong lịch sử, hầu hết các cơ sở sản xuất, các cơ quan, trường học ở Hải Phòng đã trở lại nơi sơ tán 4 năm trước. Các khu dân cư đông đúc đã đưa được người già, trẻ em, những người không có nhiệm vụ chiến đấu ở nội thành đi sơ tán. Kho dầu Thượng Lý, Cảng Hải Phòng, các tổng kho vật tư của các ngành, các bộ đã phân tán được hơn một nửa số lượng hàng hóa, thiết bị hiện có.

 

Tối 15-4-1972, thành phố Cảng rạo rực không khí chiến tranh. Bắt đầu từ 20 giờ 15 ngày 15-4, nhiều bức điện mật từ Bộ Tổng tham mưu được chuyển khẩn cấp về sở chỉ huy Quân khu, bức điện trước thông báo “Địch sẽ đánh lớn Hà Nội, đường 5”, bức điện sau nói rõ: “Địch đánh lớn Hải Phòng - đường 5”. Bộ Tư lệnh Hải Phòng báo cáo Quân khu những bức điện của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao.

 

Nghe xong các bức điện, đồng chí Tư lệnh Quân khu nói với cán bộ giúp việc: “Điện xin chỉ thị của Bộ và sơ tán toàn bộ Hải Phòng vào đêm nay”. Mười phút sau được phúc đáp: “Việc sơ tán Hải Phòng phải xin ý kiến Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ”. Tư lệnh quả quyết: “Thôi được, ta có cách làm của ta, đồng chí trực ban cho mời anh Nguyễn Chất, Tham mưu trưởng chỉ huy phòng không sang đây”.

 

Chưa đầy 5 phút, đồng chí Nguyễn Chất đã có mặt tại sở chỉ huy Quân khu. Tư lệnh Quân khu đi thẳng vào việc: “Tình thế hiện nay anh đã rõ. Việc địch đánh phá thành phố chỉ còn giờ phút. Bộ đã chỉ rõ: Địch sẽ đánh lớn, nghĩa là không đánh bằng máy bay chiến thuật như trước mà bằng máy bay chiến lược B52 và nhiều loại máy bay hiện đại khác. Ta không có quyền sơ tán toàn bộ thành phố. Tuy vậy, từ ngày chuyển trạng thái, ta đã làm được nhiều việc, bây giờ phải tiếp tục sơ tán khẩn cấp, sơ tán triệt để một số khu vực trọng điểm”.

 

Đồng chí Nguyễn Chất báo cáo vắn tắt tình hình thành phố chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu:

 

- Ở khu công nghiệp và dân cư dọc đường 5 khu Hồng Bàng đã chuyển biến tích cực nhất,

 

- Kho dầu Thượng Lý thuộc Tổng cục Hóa chất chấp hành chỉ thị của Ủy ban Hành chính thành phố, đã di chuyển được 50% số nhiên liệu mới nhập khẩu ra khỏi kho, hiện còn khoảng 2 vạn tấn đang tiếp tục di chuyển. Trung đoàn xe vận tải của Quân khu tăng cường cùng hàng trăm xe dự trữ luân kho, xe của các xí nghiệp được trưng dụng đang đưa các phuy dầu ra khỏi bãi.

 

- Các nhà máy xi măng, phát điện, trường học, công trường… đã đưa hết các bộ phận gián tiếp ra ngoài, giảm bớt số người sản xuất trong mỗi ca và sẵn sàng nghỉ việc khi có lệnh.

 

- Cảng Hải Phòng đã đưa sĩ quan thủy thủ nước ngoài phân tán đến các khách sạn. Hơn 20 tàu thuộc nhiều quốc tịch đỗ tại bến cảng, trong đó một vài chiếc đậu gần bến Bính, nhà máy điện cửa Cấm. Hàng nhập từ nhiều nơi gửi đến tồn đọng ở kho ngày càng nhiều. Ta đã thỏa thuận với các tàu bạn nhận, cho phân tán xuống tàu.

 

- Vật tư thiết bị có đến mấy trăm nghìn tấn đang được di chuyển về các huyện An Lão, Kiến Thụy…

 

Nghe xong báo cáo, Tư lệnh Quân khu ân cần nhắc nhở:

 

- Thành phố đã có nhiều cố gắng trong phân tán, sơ tán nhân dân và tài sản nhà nước, nhưng còn nhiều công việc phải làm, nhất là ở các trọng điểm. Công việc cấp bách phải làm lúc này là sơ tán triệt để, sơ tán khẩn cấp ở một số vị trí trọng yếu, nhất là khu vực trọng điểm đánh phá ban đầu của địch.

 

Nhận lệnh ra về, đồng chí Nguyễn Chất báo cáo ngay với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, được Ban Thường vụ nhất trí chấp hành mệnh lệnh của Quân khu và kế hoạch cấp tốc của Bộ Tư lệnh 350.

 

Mệnh lệnh di chuyển được phát đi trên đài truyền thanh. Hệ thống loa điện tử mọi điểm công cộng đến các loa nhỏ ở trong gia đình, trong phân xưởng, phòng ban làm việc ở cơ sở sản xuất và công tác liên tiếp sôi lên. Thông báo của Sở chỉ huy phòng không nhân dân thành phố thúc giục mọi người phải nhanh chóng rời khỏi nội thành. Tại các khu vực dân cư đông đúc dọc đường 5 náo nhiệt hẳn lên, xe thông tin, người mang loa tay điện vào từng ngõ, từng nhà, gọi tên từng chủ hộ, thúc giục đi sơ tán. Đoàn cán bộ kiểm tra hành chính đến từng nhà dân, từng nơi làm việc của các cơ quan, xí nghiệp, công trường yêu cầu phải chấp hành lệnh sơ tán khẩn cấp của Ủy ban Hành chính thành phố, người nào không chấp hành phải ký vào biên bản. Tiếp theo các đoàn đến vận động, thúc giục là đội quân vận tải và khuân vác đến các ngả đường sẵn sàng mời đồng bào lên xe nhanh chóng ra khỏi nội thành.

 

Theo báo cáo của các khu phố Hồng Bàng, Lê Chân, qua 90 phút đồng hồ, các khu vực trọng điểm đã có tới hơn vạn người đi sơ tán. Tuy nhiên, vẫn có một số người lừng chừng không dứt khoát sơ tán; một số học sinh các trường dạy nghề không có mặt ở ký túc xá khi đoàn kiểm tra đến. Việc di chuyển dân cư ra khỏi nơi ở đang ráo riết thực hiện.

 

Bỗng còi báo động vang lên, lúc này là 2 giờ, chưa ai nghĩ đó là sự thật. Bốn năm qua chỉ có tiếng còi tầm, bây giờ là còi báo động kèm theo câu nói của phát thanh viên: “Máy bay địch đang hoạt động gần thành phố. Lực lượng vũ trang vào vị trí chiến đấu. Đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành nội quy phòng không nhân dân”.

 

Thành phố lặng chìm, tiếng loa bỗng chốc bị át bởi những tiếng nổ rung trời lở đất, cùng những cột lửa khổng lồ đỏ rực. Trên đường đi sơ tán nhìn về nội thành, nhiều người đau xót: “Nó đánh trúng khu phố mình rồi, đánh trúng Sở Dầu rồi! Ơn Đảng, Chính phủ đã chỉ đường cho mình đi, nếu ở lại nhà thì không biết tính mệnh sẽ ra sao?”.

 

Quá 2 giờ sáng, thành phố yên tĩnh nhưng vẫn chưa báo yên. Sư đoàn phòng không 363 báo cáo: Máy bay B52 đang tiến vào biển Đông, đài ra-đa quốc gia chỉ rõ đường đi của lũ giặc trời. Từ các căn cứ không quân Mỹ tiến vào biển Đông, tới vĩ tuyến 20- 21 thì chúng quay lên hướng Bắc. Tới đây, Hải Phòng phát tín hiệu B1, B1… B1.... báo tin có B52 vào đánh phá. Với máy bay B52, Quân khu cho phép báo động từ xa, khi chúng còn cách thành phố 200- 300 km, tương ứng 20-30 phút bay. Trong khoảng thời gian này, đồng bào ta có thể ra khỏi khu vực trọng điểm ít nhất cũng được 1.000 m.

 

(Còn tiếp)