Hải Phòng ứng phó với biến đổi khí hậu: Quan tâm việc cắt giảm phát thải khí CO2

05:05 CH 07/12/2021

 

 

Mô hình khu công nghiệp sinh thái được xây dựng tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là một trong giải pháp giảm phát thải CO2.

 

(HPĐT)- Tại hội nghị biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu về việc Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2) ròng bằng “0” vào năm 2050. Thành phố Hải Phòng với vị trí là cực tăng trưởng, là trung tâm sản xuất, kinh doanh dịch vụ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Do đó, để góp phần thực hiện mục tiêu chung của cả nước về giảm phát thải CO2, những yêu cầu đối với thành phố Hải Phòng là rất lớn.

Nguy cơ gia tăng lượng phát thải khí CO2 lớn

Hiện nay, lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính của thành phố ước tính vào khoảng 6.680 tấn/năm. Riêng lượng phát thải từ hộ dân và lĩnh vực thương mại, dịch vụ là 1.510 tấn/năm, chiếm 22,6% tổng lượng phát thải CO2 của toàn thành phố. Các lĩnh vực giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 50% lượng phát thải khí CO2 của cả thành phố. Theo kết quả Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) phối hợp với nhóm mô hình tích hợp châu Á-Thái Bình Dương (AIM) và Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ TNMT và Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng kịch bản thành phố CO2 thấp cho Hải Phòng, dự báo với tốc độ tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực công nghiệp, vận tải, dân số như hiện nay, nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính của Hải Phòng tăng gấp 4 lần so với hiện nay.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Trần Văn Phương đánh giá: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tiếp tục gây ra tình trạng nhiệt độ trung bình tăng; mực nước biển dâng dẫn tới xâm nhập mặn; lượng mưa thay đổi; gia tăng số hiện tượng thời tiết/khí hậu cực đoan tại Hải Phòng. Đặc biệt, lượng khí thải CO2 không ngừng tăng lên khiến mục tiêu chống biến đổi khí hậu đối mặt thách thức lớn hơn. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức kêu gọi các cá nhân và tổ chức cùng chung tay ứng phó với BĐKH, Sở TNMT nghiên cứu, đề xuất với thành phố xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý về BĐKH, trong đó nội dung quan trọng là giảm phát thải khí CO2; khuyến khích cộng đồng, đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ và sáng kiến khoa học để góp phần làm giảm lượng khí CO2 ra môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế CO2 thấp và tăng trưởng xanh.

Xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện đồng bộ

Kịch bản phát thải CO2 thấp cho thành phố xây dựng phương án, giải pháp giảm phát thải khí CO2. Nếu áp dụng giải pháp giảm được đề ra, toàn thành phố có thể giảm được 14% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Cụ thể: nhóm công nghiệp xanh gồm tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy, lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả cao, cải tiến công nghệ lò nung, lò sấy; nhóm xây dựng thương mại chỉ 20% số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố áp dụng mô hình “tòa nhà xanh”, sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Thực hiện kịch bản này, Sở TNMT phối hợp nhiều ban, ngành liên quan để tổ chức chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong năm 2020, Sở TNMT hoàn thiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới”; “Tuyên truyền và phát triển lối sống thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”. Sở TNMT phối hợp Sở Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất sạch, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 bằng “0” vào năm 2050 còn nhiều việc phải làm. Sở TNMT tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của thành phố giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân hiểu biết về BĐKH, chung tay tích cực giảm phát thải khí CO2. Cùng với đó, áp dụng kịch bản phát thải CO2 thấp sang các lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng./.