Hiệu quả tích cực từ nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

02:44 CH 20/01/2025

(HPĐT)- Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (KDT) về đa dạng sinh học (ĐDSH), đến năm 2024, số loài trong vùng lõi của KDT tăng 42% so với số liệu tại hồ sơ đề cử cách đây 20 năm. Đây là kết quả từ nỗ lực của cán bộ làm công tác bảo tồn, sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới.

 

Cán bộ Vườn Quốc gia Cát Bà thả cá thể rùa xanh về môi trường tự nhiên trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
 

Số loài động, thực vật tăng 

Thống kê mới nhất cho thấy, trong vùng lõi của KDT hiện có tổng cộng 4.066 loài, cao hơn số liệu đánh giá năm 2014 là 110 loài và cao hơn hồ sơ đề cử năm 2004 là 1.746 loài. Đặc biệt, khu hệ động, thực vật Cát Bà mang nét đặc trưng của hệ động, thực vật núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam và giàu yếu tố đặc hữu, là nơi duy nhất trên thế giới có loài Voọc Cát Bà, một loài đặc hữu hẹp của Việt Nam có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế. Cùng với đó, tại KDT phát hiện thêm 2 loài mới chưa từng được biết đến là thạch sùng mí Cát Bà và thu hải đường Cát Bà, góp phần làm phong phú thêm các giá trị ĐDSH của quần đảo Cát Bà. 

Theo Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Phạm Văn Phúc, sự tăng trưởng về số loài là kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ Vườn Quốc gia Cát Bà, KDT, sự chung tay của chính quyền địa phương và các tổ chức khoa học quốc tế, nhất là sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng dân cư trong suốt 20 năm qua. Trong đó, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên được Vườn Quốc gia Cát Bà quan tâm, chỉ đạo toàn diện và phân vùng phù hợp. Hệ thống các trạm kiểm lâm được xây dựng kiên cố, trải đều trên toàn đảo để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, phục bắt và nắm bắt thông tin với 2,6 nghìn lượt/năm, trục xuất hàng trăm đối tượng săn bắt động vật trái phép, phá và thu hơn 1,2 nghìn loạt bẫy các loại mỗi năm… Cùng với đó, công tác tuyên truyền được thường xuyên đổi mới, phù hợp trình độ dân trí, tập quán sản xuất của người dân trên đảo Cát Bà. Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp tốt các đơn vị, các phòng, ban của huyện Cát Hải và các xã, thị trấn, ngăn chặn hiệu quả các tác động xâm hại đến ĐDSH trên quần đảo Cát Bà. Từ năm 2014 đến nay, Vườn tiếp nhận và tái thả về tự nhiên hàng chục cá thể sóc bụng đỏ, kỳ đà, mèo rừng, vích, đồi mồi, rùa biển, tắc kè, trăn đất, rắn, chim các loại... 

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Cát Bà và huyện Cát Hải triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương các xã vùng đệm với 151 mô hình, như nuôi quảng canh cải tiến kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn tại xã Phù Long; trồng rau sạch sử dụng phương pháp ủ phân vi sinh hữu cơ bằng men vi sinh tại xã Phù Long và Xuân Đám...

Quyết liệt bảo tồn giá trị nổi bật của 

Di sản thiên nhiên thế giới Bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít thách thức về nhiệm vụ bảo vệ ĐDSH tại KDT thời gian tới. Lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Bà trực tiếp quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, biển còn khá mỏng, địa bàn quản lý rộng với địa hình phức tạp khiến công tác bảo tồn ĐDSH gặp không ít khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho bảo vệ ĐDSH còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao do áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây mới các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như đường giao thông, đường điện, khu du lịch... trực tiếp gây ra sự suy thoái, chia cắt, hình thành rào cản sự di cư và làm mất sinh cảnh tự nhiên, gây tác hại lâu dài tới sự sống còn của các quần thể động vật hoang dã. Bên cạnh đó, tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng đang đe dọa đến ĐDSH. 

Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Nguyễn Văn Thịu, để nâng cao hơn hiệu quả công tác bảo vệ ĐDSH trong KDT và gìn giữ các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn Quốc gia Cát Bà sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị trong công tác quảng bá, giáo dục, tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư, học sinh, du khách về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐDSH. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu phục hồi các giá trị tài nguyên rừng và biển, khảo sát và giám sát để có thêm thông tin về các loài và các dạng sinh cảnh tại quần đảo Cát Bà, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đang có nguy cơ ảnh hưởng đến một số khu vực của công tác bảo tồn ĐDSH. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tận gốc, áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quản lý bảo vệ, đặc biệt chú trọng bảo vệ các tiểu quần thể Voọc Cát Bà và các loài nguy cấp quý hiếm, kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động trực ban phòng cháy, phát hiện lửa rừng, tổ chức chữa cháy kịp thời... 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập