Kết nối cung cầu công nghệ: Tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
(HPĐT)- Nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận, đổi mới, đầu tư công nghệ của doanh nghiệp, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức 3 phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; 2 đoàn khảo sát kết nối cung cầu công nghệ tại một số quốc gia, mở ra nhiều cơ hội mới đối với doanh nghiệp thành phố, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham gia phiên kết nối cung cầu công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
Đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ
Tham gia phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản do Sở KHCN phối hợp tổ chức đầu tháng 10- 2024, Giám đốc công nghệ Công ty TNHH Thế kỷ (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) Phùng Hữu Lợi đề xuất, Sở tổ chức nhiều hơn các phiên kết nối giúp doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi trực tiếp, nhanh chóng tìm hiểu nhu cầu của nhau giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong quá trình tìm kiếm công nghệ phù hợp. “Từ cuộc kết nối với Công ty TNHH công nghệ Dhowa (Nhật Bản), doanh nghiệp kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác sâu hơn trong thời gian tới để tiếp nhận, nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ mới phục vụ hoạt động doanh nghiệp”, ông Lợi bày tỏ.
Cố vấn cao cấp Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật quốc tế thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) Tomoharu Asahara cho biết, để các phiên kết nối cung cầu đạt hiệu quả cao, đơn vị phối hợp chặt chẽ Trung tâm Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo (Sở KHCN) rà soát, nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp hai bên. Sau các cuộc kết nối 1:1, đơn vị đi thăm thực tế doanh nghiệp, tiếp nhận nhu cầu cụ thể từ phía doanh nghiệp Việt Nam để tìm kiếm đối tác phù hợp, tiến tới ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp hai nước.
Điểm mới trong các phiên kết nối cung cầu công nghệ năm nay là các đơn vị chú trọng các công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh và tuần hoàn. Theo Giám đốc Sở KHCN Trần Quang Tuấn, các phiên kết nối cung cầu công nghệ giúp các doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng, Việt Nam nói chung tiếp cận, đổi mới, đầu tư, giải mã công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có cơ hội trở thành đơn vị gia công, hợp tác liên doanh với các đối tác quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch 273 của UBND thành phố về Chương trình đổi mới công nghệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp nối thành công từ các năm trước, năm 2024, Sở KHCN tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn công tác thăm và làm việc tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada để khảo sát kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Hải Phòng với đối tác quốc tế.
Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ
Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ tuy được tích cực triển khai thời gian qua, nhưng hiệu quả còn khiêm tốn, do năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Hải Phòng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Thực tế cho thấy, các phiên kết nối cung cầu công nghệ mới dừng lại ở gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi, ít trường hợp đi đến ký kết hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ. Để giải bài toán này, cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài, nơi có năng lực công nghệ tốt hơn doanh nghiệp trong nước một vài bậc, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng đáp ứng và hấp thụ. Việc liên doanh, liên kết này sẽ tận dụng lợi thế về công nghệ, máy móc, kinh nghiệm và đơn hàng dẫn từ doanh nghiệp nước ngoài kết hợp nguồn lực của doanh nghiệp địa phương về mặt bằng, nhà xưởng, con người, nguyên vật liệu, vốn ngắn hạn… Có như vậy, doanh nghiệp thành phố mới từng bước nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Để thúc đẩy hoạt động liên doanh, liên kết, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ thành phố, Giám đốc Công ty CP sản xuất và dịch vụ LeanMAC (huyện An Dương) Trần Xuân Phong đề xuất, Sở KHCN phối hợp các sở, ngành nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI và công nghệ cần có. UBND thành phố, các sở, ban, ngành nghiên cứu sớm có chính sách hỗ trợ mặt bằng, nhà xưởng sạch và tập trung các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, xử lý chất thải, sẵn sàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nước ngoài đến liên doanh, liên kết và hoạt động, được hưởng chính sách công bằng giống các doanh nghiệp địa phương trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, lao động. Sở KHCN, Sở Công thương thường xuyên đánh giá hiệu quả và hỗ trợ các khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động, định hướng thị trường, tiến hành xúc tiến giao thương định kỳ trong và ngoài nước.