Kiến tạo những nguồn lực mới, đáp ứng khát vọng phát triển Hải Phòng
Rực rỡ đêm hội “Hải Phòng - Điểm đến thành công”. Ảnh: Vũ Dũng
(HPĐT)- LTS: Kể từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đến nay, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, có những vấn đề vượt khỏi khả năng dự báo. Nhờ kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm quý báu từ các giai đoạn trước, sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 16, thành phố đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Cảng. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, đòi hỏi kiến tạo các nguồn lực mới, để đưa thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng khát vọng phát triển Hải Phòng. Báo Hải Phòng lược ghi ý kiến của Tiến sĩ NGUYỄN VĂN THUẬN, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài thành phố chung quanh nội dung này.
Nhận diện rõ khó khăn, thách thức
Nhìn lại sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 cho thấy, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Hải Phòng vừa tranh thủ được sự quan tâm, kỳ vọng, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương, vừa kiên trì, bền bỉ phát huy nội lực của mình. Toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực để đạt được những thành tựu quan trọng. Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, càng thấm thía hơn tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình đồng bào của nhân dân thành phố. Đây cũng chính là mạch nguồn sức mạnh để thành phố vượt qua khó khăn, giữ vững đà tăng trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiến tạo những điều kiện mới phục vụ sự phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, thành phố cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm giải quyết những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Đó là những khó khăn trong chính nội tại của thành phố do có những giai đoạn chúng ta đặt ra kỳ vọng với mục tiêu, tốc độ phát triển cao, nếu không muốn nói là phát triển “nóng”, nên khi xây dựng kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ thực hiện chưa lường hết những khó khăn đang và sẽ có thể xảy ra. Đây là việc chúng ta phải chấp nhận, nhưng qua đó cũng giúp thành phố nhìn rõ hơn khả năng của mình. Như trong việc cải cách hành chính, thành phố tập trung nhiều vào việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thủ tục đầu tư nhưng chưa quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm dư địa, cơ chế huy động các nguồn lực của chính doanh nghiệp cũng như các nguồn lực từ xã hội để phát triển. Vấn đề nữa, Hải Phòng đang tiến tới thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là chuyển đổi số, nhưng hiện mới bước đầu tạo chuyển biến tư duy trong hệ thống chính quyền và một phần trong xã hội, còn nhìn tổng thể, tốc độ chuyển đổi số của thành phố vẫn chậm; nhận thức cũng như chương trình phát triển chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa rõ ràng. Đây cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp đón đầu những xu hướng mới trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng.
Cùng với đó, thành phố đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao, ở những ngành nghề đang đòi hỏi cần tập trung cho phát triển, như yêu cầu người lao động phải sử dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm, cũng như áp dụng công nghệ trong quá trình triển khai thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tiễn qua các chương trình làm việc, đào tạo giám đốc doanh nghiệp, hầu hết chủ doanh nghiệp cho biết, họ đang lúng túng, gặp khó trong vấn đề này. Việc thiếu lao động chất lượng cao ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế. Nền kinh tế thành phố khó có thể phát triển mạnh nếu không có các doanh nghiệp mạnh.
Nhìn lại hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng, có thể thấy, trong hàng chục năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp tập trung cho vấn đề này nhưng khi bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện, đầu tư mạnh mẽ hơn để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển. Một trong những cơ sở hạ tầng thành phố đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị là tạo ra hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu tại Lạch Huyện, đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương nằm trên bản đồ hàng hải quốc tế. Có thể nói, đây là niềm vinh dự, tự hào, khâu đột phá để thành phố xây dựng và phát triển kinh tế riêng có của Hải Phòng cũng như vùng Bắc bộ. Nhưng rõ ràng, để phát huy hiệu quả trong việc vận hành, khai thác hiệu quả cao hệ thống cảng biển, phải có các cơ sở hạ tầng khác đi cùng.
Trong khi hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt chưa đáp ứng yêu cầu trên, thậm chí cả đường hàng không về trung hạn và dài hạn cũng không thể đáp ứng. Đây là “điểm nghẽn”, “nút thắt”, đòi hỏi phải tháo gỡ để nhanh chóng giải tỏa hàng hóa tại các cảng biển. Trong khi Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nội tại của mình, thành phố còn chịu nhiều tác động khác, như: đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột địa chính trị dẫn đến làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, rồi nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi các “kênh” huy động vốn, như: thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng đều sụt giảm; chưa kể nhu cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán giảm, thị trường thu hẹp, đơn hàng ít đi; tình trạng công nhân bị sa thải, thiếu, nhỡ việc làm... tăng lên.
Đòi hỏi tất yếu
Nhận diện rõ các khó khăn, thách thức kể trên, đòi hỏi trong thời gian tới, thành phố phải tập trung kiến tạo các nguồn lực mới để bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Yêu cầu đặt ra là sự phát triển phải đặt trong trong một tổng thể của đất nước và của vùng kinh tế phía Bắc, các thành tố trong đó có sự liên kết chặt chẽ với nhau, như liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết vùng. Muốn vậy, rõ ràng phải có sự tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt coi trọng vai trò của các cực tăng trưởng như Hải Phòng. Để có được nguồn lực phát triển đó, đề nghị Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, đầu tư thỏa đáng đối với những cực tăng trưởng như Hải Phòng để tạo động lực cho sự phát triển chung của khu vực và đồng thời, tạo điều kiện phát huy các lợi thế của các địa phương trong vùng. Hai tư duy này không đối nghịch mà lại tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng.
Cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hải Phòng cần xác định rõ vai trò tiên phong, chủ lực, cực tăng trưởng quan trọng đối với vùng và khu vực phía Bắc để chủ động, nỗ lực hơn trong việc tìm ra những thế mạnh của mình và kết nối với các địa phương nhằm bù đắp khiếm khuyết của nhau và phát huy vai trò động lực, cực tăng trưởng của chính Hải Phòng trong vùng, trong khu vực mà Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị mới ban hành đã định hướng. Hơn thế nữa, với Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố cần chủ động và thường xuyên cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách, trong đó có những chính sách đặc thù cho thành phố để biến nghị quyết của Bộ Chính trị thành hiện thực. Sự vào cuộc, xử lý các vấn đề trên theo một tinh thần mới, tư duy mới vì sự phát triển chung của vùng, khai thác tối đa thế mạnh, đồng thời phát huy hiệu quả kết nối vùng, cả về mặt quy hoạch không gian, xây dựng cơ chế, chính sách, cả về bố trí nguồn lực. Những vấn đề kể trên phải đặt ra ngay trong tư duy lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Thực hiện chủ đề năm 2023, thành phố xác định nhiệm trọng tâm là tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Định hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững với trọng tâm là chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Muốn vậy, cần đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong tìm kiếm các nguồn lực đầu tư nước ngoài cần huy động đa dạng, bao gồm nguồn vốn ODA lẫn hợp tác công tư (PPP). Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong các “kênh” huy động vốn hiện nay. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, ngoài nguồn nhân lực nội tại, thành phố cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài, chú trọng gia tăng dân số cơ học. Thực tế trên thế giới, các đô thị phát triển nhanh, mạnh là các đô thị tạo ra sức hút lớn với nguồn lao động, nhất là lao động trình độ cao, bằng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết vấn đề nhà ở cho lao động nhập cư... Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích người tài, người có năng lực, gồm: lao động có năng lực quản lý, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó bởi sức sống của một đô thị là sức sống nội sinh, những khả năng tự tạo ra động lực cho chính mình để quay trở lại duy trì sự phát triển của chính đô thị đó. Về vấn đề chuyển đổi số, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm chung tay của người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng cho xã hội số, kinh tế số phát triển trên cơ sở có nguồn nhân lực số lớn mạnh…
Cuối cùng, để kiến tạo nguồn lực mới cho sự phát triển của Hải Phòng, cần nhấn mạnh đến quyết tâm đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, địa phương. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải bám sát sự chuyển động của thực tiễn, dự báo chính xác, triển khai thực hiện quyết liệt nhưng cũng thật linh hoạt, nhạy bén đối với sự biến động của tình hình quốc tế, trong nước trên các lĩnh vực. Nhất là lĩnh vực kinh tế, khi có các chủ trương chung, phải chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, vào cuộc cùng doanh nghiệp để giải quyết, biến khó khăn, thách thức thành động lực của sự phát triển./.