Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

04:51 CH 17/08/2024

 

Người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng trong Hội chợ xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng năm 2024.

 

(HPĐT)- Từ đầu năm đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hải Phòng tiếp tục đạt kết quả tích cực, thúc đẩy xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024. Kết quả đó có được là nhờ ngành Công Thương cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số để đổi mới, đa dạng hóa cách làm.

 

Linh hoạt cách làm

Tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Tiệp, với 180 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp, gồm các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương) Hoàng Thế Nam thông tin: Sau 6 ngày tổ chức, hội chợ thu hút trên 70 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm, riêng ngày khai mạc có gần 10 nghìn lượt người tham quan mua sắm tại hội chợ. Doanh số bán hàng trong 6 ngày hội chợ đạt hơn 10 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,6 tỷ đồng.

Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, Sở Công Thương thành lập, vận hành 4 mô hình “Điểm bán hàng Việt” trên địa bàn thành phố tại các quận, huyện: Hải An, Lê Chân, Cát Hải, Thủy Nguyên với 13 đơn vị cung cấp và gần 500 sản phẩm Việt của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Chị Thạch Thị Phương Thúy, Quản lý Điểm bán hàng Việt tại số 132, phố Lý Hồng Nhật (phường Thành Tô, quận Hải An) cho biết: Trung bình mỗi ngày, cửa hàng thu hút khoảng 100 lượt khách đến mua sắm, tham quan. Khách hàng sau khi mua sản phẩm phần lớn đều quay lại nhiều lần do hàng chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá phù hợp và niêm yết công khai.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành, Sở cũng thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thành phố tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Shopee, Lazada, Sendo. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Duy trì, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố tại địa chỉ www.hoaphuong.gov.vn với tính năng và công nghệ tích hợp với trình duyệt mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tại Hải Phòng đưa sản phẩm lên sàn; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng cũng như thúc đẩy hoạt động giao thương trên sàn. Duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin địa điểm mua sắm thành phố tại địa chỉ maps.hpe.gov.vn với gần 2.000 địa điểm mua sắm… để sản phẩm Việt không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

 

Tận dụng FTA mở rộng thị trường

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 của Hải Phòng tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả tích cực. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu ước đạt 4.230 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20.214 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ, đạt 61,25% kế hoạch năm. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu ước 15.984 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt 49,95% kế hoạch năm.

Để đạt kết quả này, ngành Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, nhất là các dự thảo FTA thế hệ mới, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, lợi thế từ các FTA mang lại; hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tra cứu thông tin trực tuyến về các Hiệp định thương mại tự do từ Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương và UBND thành phố (fta.haiphong.vn) và các Trang thông tin điện tử chuyên ngành. Tích cực phối hợp Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương thông báo văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của các Hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương, của các nước và khu vực…

Có thể nói, trong nửa đầu năm 2024, mặc dù thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, song công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả rõ nét. Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại…, ngành Công Thương thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống. Đặc biệt là tận dụng sự ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp… Cùng với đó là tập trung khai thác FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập