Tăng cường kết nối giao thông giữa Hải Phòng với tỉnh Thái Bình: Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

11:22 CH 10/09/2024

 

Nhà thầu khẩn trương thi công cầu vượt sông Hóa. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

(HPĐT)- Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa là cây cầu thứ 6 kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình - được xác định là công trình quan trọng trong mạng lưới giao thông kết nối giữa 2 địa phương. Do đó, công tác thi công đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hợp long cầu trước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và thông xe đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-2025).

 

Tăng tốc thi công

Những ngày cuối tháng 8- 2024, nắng nóng gay gắt, đan xen là những cơn mưa rào, nhưng trên công trường thi công cầu vượt sông Hóa (kết nối huyện Vĩnh Bảo với huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Theo thông tin của nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP cầu 3 Thăng LongCông ty CP Trung Thủy, dự án chính thức thi công từ đầu tháng 4- 2024. Đến nay, hoàn thành 55/108 cọc khoan nhồi, 4/100 dầm Super T và 4/11 trụ, mố. Khối lượng thi công đạt gần 25% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, bên phía bờ huyện Vĩnh Bảo do một phần diện tích mặt bằng tại xã Đồng Minh chưa được bàn giao, nhà thầu chưa có đường vào để thi công.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Đức Cảnh cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến qua Hải Phòng trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo cần thu hồi 7,43 ha đất của 222 hộ, gồm 6,08 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 199 hộ; 0,56 ha diện tích đất ở của 23 hộ; 0,79 ha đất giao thông, thủy lợi diện tích. Đến 23-8, có 211/222 hộ bàn giao mặt bằng; còn 11 hộ (2 hộ tại xã Hưng Nhân và 9 hộ tại xã Đồng Minh) chưa đồng thuận với phương án bồi thường với lý do giá bồi thường chưa phù hợp và 1 hộ có tranh chấp. Để bảo đảm tiến độ dự án, UBND huyện yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền 2 xã Hưng Nhân, Đồng Minh tích cực tuyên truyền, vận động, đối thoại các hộ dân trên sớm bàn giao mặt bằng. Trong trường hợp, các hộ chây ỳ, không đồng ý với phương án bồi thường, địa phương cương quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trước ngày 15-9.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh cho biết, cầu vượt sông Hóa có chiều dài 411,2 m; tường chắn dài 140 m; bề rộng cầu 22,5 m; tĩnh không thông thuyền BxH= 30x6 m. Dự án xây dựng tuyến đường kết nối theo quy mô đường cấp 2 đồng bằng, đường rộng 22,5 m với chiều dài 1.882 m và các công trình trên tuyến khác theo quy chuẩn hiện hành. Dự án có tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Với dự kiến thông xe vào dịp 13-5-2025, cầu vượt sông Hóa hoàn thành sau 1 năm thi công và là một trong những cây cầu có tốc độ thi công nhanh của thành phố những năm qua.

 

Đẩy mạnh liên kết vùng

Với cầu vượt sông Hóa đang được đẩy nhanh thi công, thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình sẽ có 6 kết nối giao thông đường bộ, gồm: cầu Nghìn (1 và 2); 2 cầu vượt sông Hóa (nối huyện Thái Thụy và nối huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình); cầu Thái Bình (dự án đầu tư xây dựng đường ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9 km qua tỉnh Thái Bình) và cầu Lô Đông. Đặc biệt, từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, các công trình kết nối giao thông giữa Hải Phòng và tỉnh Thái Bình được tăng cường thực hiện. Tính riêng từ năm 2019 đến nay, có tới 5 cây cầu được khởi công xây dựng. Hình ảnh những con đò, chuyến phà qua lại giữa 2 địa phương đã lùi xa. Những cây cầu mang lại sự thay đổi lớn đối với người dân đôi bờ, mở không gian, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế. Trong đó, khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như phát triển đời sống người dân ở các vùng dự án đi qua.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, việc kết nối giao thông giữa tỉnh Thái Bình với thành phố Hải Phòng rất quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và thu hút đầu tư, nhất là tỉnh Thái Bình. Bởi các nhà đầu tư khi đến tỉnh rất quan tâm tới kết nối với Hải Phòng qua khu vực cảng biển và sân bay. Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, nối huyện Quỳnh Phụ với huyện Vĩnh Bảo được tỉnh Thái Bình xác định là dự án có ý nghĩa rất quan trọng. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Tuy nhiên, do khó khăn khách quan nên UBND tỉnh đang đàm phán với đại diện liên danh nhà thầu để thỏa thuận các điều kiện chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT dự án, chuyển đầu tư dự án sang hình thức đầu tư công. Ngoài tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Cầu vượt sông Hóa sẽ là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác tốt đẹp, thành công giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình. Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh Thái Bình, Nam Định với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, giảm tải quốc lộ 10 hiện tại, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cả vùng như tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra. Với mục tiêu sẽ hợp long cầu chính trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và thông xe dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, do đó, các đơn vị thi công huy động tối đa phương tiện, thiết bị, nhân lực, vật tư tổ chức đồng loạt các mũi thi công.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập