Để chăn nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao: Khắc phục tình trạng cung vượt quá cầu
(HPĐT)- Từ năm 2024 đến nay, giá gia cầm luôn ở mức thấp, trong khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá ở mức cao. Người chăn nuôi không có lãi vì không bù được chi phí sản xuất. Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm định hướng người chăn nuôi cân đối cung cầu để sản xuất chăn nuôi gia cầm ổn định, bền vững.
Giá gia cầm ở mức thấp
Lứa gà lông màu được xuất chuồng nhưng anh Lương Xuân Tường có trang trại chăn nuôi ở xã An Tiến (An Lão) không mấy vui. Anh cho biết, việc bán cho thương lái và khách mua lẻ rất khó khăn, giá sản phẩm rẻ nên lứa gà này không có lãi. Theo anh Tường, từ năm 2024 đến nay, giá gia cầm lông màu nuôi trang trại, gia trại đều trong tình trạng trên. Trang trại của gia đình anh có quy mô nuôi cao nhất 6- 7 nghìn con gà lông màu nhưng gần đây chỉ duy trì đàn nuôi khoảng 2-3 nghìn con/ lứa.
Khảo sát tại các chợ dân sinh trong thành phố, giá gia cầm bán tại chợ hiện chỉ dao động 70- 75 nghìn đồng/kg; giá nông dân bán tại các trang trại, gia trại cho các thương lái mua buôn chỉ 50- 55 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng không lớn, nhất là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay. Theo phản ánh của người chăn nuôi, với giá bán gia cầm duy trì như hiện nay, nhiều trang trại, gia trại sản xuất không có lãi, chủ yếu hòa vốn, thậm chí có trang trại gặp rủi ro trong quá trình chăn nuôi còn lỗ vốn. Vì vậy, gần đây, nhiều trang trại, gia trại có xu hướng giảm đàn nuôi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gia cầm luôn ở mức thấp, theo Trưởng Phòng Quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (Chi cục Chăn nuôi và thủy sản) Nguyễn Khoa Điền, do 2-3 năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia cầm lông màu phát triển mạnh với nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi... Do cung vượt quá cầu nên sản phẩm gần đây rất khó lưu thông, người chăn nuôi cũng ít lãi. Ngoài ra, người chăn nuôi còn gặp phải sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm cùng loại được sản xuất tại các địa phương khác như: gà đồi Yên Thế, Lục Ngạn (Bắc Giang), gà lông màu nuôi tại các tỉnh, thành phố Hải Dương, Thái Bình... Cùng với đó, một số người chăn nuôi nhận thấy, thịt gà lông màu bán tại nhiều chợ không bảo đảm chất lượng như mong muốn nên ít có nhu cầu sử dụng. Trong khi sản phẩm chăn nuôi không có nhiều cơ hội lưu thông vào các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn...
Cân đối cung cầu để sản xuất có lãi
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản Nguyễn Mạnh Hùng, trước thực tế trên, các địa phương cần rà soát lại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên cơ sở dự tính, dự báo được nhu cầu tiêu dùng để từ đó khai thác và phát huy lợi thế của Hải Phòng, tập trung vào phát triển gà lông màu. Cùng với đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng của giống gà này; giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm, cần ứng dụng con lai thương phẩm có năng suất cao, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp; tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, ứng dụng chế phẩm vi sinh; khuyến khích hình thành cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại theo chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, hiện nay, ngành Nông nghiệp và Môi trường chú trọng việc xây dựng, nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi. Theo đó, khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gia cầm cung ứng cho thị trường. Ngành thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản trên hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên các sàn giao dịch.
Nắm bắt xu hướng đổi mới hình thức chăn nuôi gia cầm, hiện nay, một số nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP hữu cơ để có sản phẩm chăn nuôi bảo đảm chất lượng, dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Ông Phạm Văn Tiến, chăn nuôi gia cầm ở thôn 5, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo cho biết, trước đây, gia đình chăn nuôi thường xuyên gặp rủi ro do dịch bệnh, chất lượng sản phẩm chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân để các thương lái ép giá, mối liên kết giữa chủ hộ và các thương lái chưa bền vững. Vì hiệu quả kinh tế chưa cao, từ năm 2023 đến nay, gia đình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị giúp giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt. Từ đó, một số hộ trong thôn thành lập nhóm hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng mua chung thức ăn chăn nuôi, cùng hợp tác tác sản xuất để đủ năng lực ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hạn chế việc bị thương lái ép giá...
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường), hiện đàn gia cầm trên địa bàn thành phố duy trì ở mức hơn 8 triệu con tại các quận, huyện gồm: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, An Dương và thành phố Thủy Nguyên. Cơ cấu đàn gà chiếm khoảng 75-80% tổng đàn gia cầm.