Quận Hải An cần quan tâm đầu tư hơn đối với công tác giáo dục và đào tạo
(HPĐT)- Chiều 25-3, Đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố chủ trì giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024 đối với UBND quận Hải An.
Qua nghe báo cáo, các ý kiến bổ sung làm rõ, phát biểu tại giám sát, đồng chí Phó chủ tịch HĐND thành phố Bùi Đức Quang ghi nhận quận Hải An thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Quy mô trường, lớp học trên địa bàn cơ bản ổn định, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục mở rộng và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập, tiếp cận giáo dục của người dân. Công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình, công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo được quan tâm; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng, bảo đảm đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo...
Đồng chí Phó chủ tịch HĐND thành phố đề quận Hải An cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, có kết quả được lượng hóa cụ thể từ thực tế triển khai. Trong đó, quan tâm chỉ đạo Phòng Giáo dục rà soát, đánh giá kỹ kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là bảo đảm đủ các phòng, lớp học ở một số phường có dân số cơ học tăng nhanh hoặc điều kiện kinh tế còn khó khăn. Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể của quận và các đơn vị liên quan, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo chung, trình HĐND thành phố.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải An báo cáo công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND quận Hải An, toàn quận hiện có số 36 trường học (trong đó có 22 trường công lập, 14 trường mầm non ngoài công lập) và 52 nhóm lớp mầm non ngoài công lập được cấp phép với tổng số 32.483 học sinh. Do dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến tình trạng một số trường số học sinh/ lớp vượt quy định. Quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu, diện tích đất một số trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học còn thấp so với mặt bằng chung (đạt 72,1%). Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện các hoạt động thí nghiệm, thực hành cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới còn khó khăn; biên chế giáo viên, nhân viên còn thiếu ở cấp THCS theo định mức quy định, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.