Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Kiến An: Thường xuyên bị ngập lụt do triều cường

02:42 CH 29/09/2024

 

Cống ngăn triều tại phường Bắc Sơn xuống cấp, khẩu độ hẹp, khó ngăn nước thủy triều xâm nhập các tuyến phố.

 

(HPĐT)- Vào những ngày nước thủy triều lên cao, một số tuyến phố trong các khu dân cư ở quận Kiến An và một số địa phương lại xảy ra ngập lụt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân và hoạt động giao thông. Đáng nói, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, nhất là sau cơn bão số 3 và những ngày nước lũ kết triều cường dâng cao đầu tháng tháng 9 vừa qua. Nguyên nhân là do hệ thống các cống, công trình ngăn triều xuống cấp, vận hành không bảo đảm an toàn trong việc ngăn nước triều cường xâm nhập vào hệ thống.

 

Nhiều khu vực ngập lụt khi triều cường

Người dân các phường: Trần Thành Ngọ, Quán Trữ, Ngọc Sơn (quận Kiến An) vào những ngày con nước triều cường lên cao lại nơm lớp nỗi lo nước từ sông Lạch Tray tràn ngập đường phố, ảnh hưởng đến đời sống và việc đi lại của người dân địa phương. Những bất cập này càng bộc lộ rõ trong cơn bão số 3 và những ngày mưa lũ kéo dài trong tháng 9 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Lộc, sinh sống ở phố Hòa Bình, phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) từ nhiều năm qua bày tỏ, người dân lo ngại trước tình trạng triều cường lên cao làm toàn bộ tuyến đường trong khu phố lại bị ngập lụt ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, đi lại của người dân. Cả những ngày nắng nếu thủy triều lên cao, cả khu phố lại bì bõm trong nước. Không chỉ người dân phường Trần Thành Ngọ chịu cảnh ngập lụt do thủy triều, đường Trường Chinh (đoạn từ ngã 6 Quán Trữ đến khu vực lối rẽ chợ Đầm Triều) cũng có khoảng 250 m thường xuyên bị ngập sâu từ 25-30 cm. Khu vực đường Trần Nhân Tông (đoạn từ cổng Trường cao đẳng Cộng Đồng đến ngã 6 Quán Trữ) có tới 650 m thường xuyên bị ngập lụt khoảng 20 cm do triều cường. Ngoài quận Kiến An, tại khu vực đường vòng chân cầu Niệm, quận Lê Chân và một số khu vực khác cũng thường xuyên xảy tra tình trạng này.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng, nguyên nhân của tình trạng ngập lụt do triều cường trên địa bàn quận Kiến An là do cống ngăn triều bị xuống cấp, hệ thống van đóng mở một chiều kém, không phát huy tác dụng ngăn nước thủy triều ngoài sông vào hệ thống cống thoát. Ngoài ra, tại các vị trí ngập lụt hiện có cao độ thấp hơn các khu vực chung quanh. Như tại điểm ngập lụt đường Trường Chinh (đoạn từ ngã 6 Quán Trữ đến khu vực lối rẽ chợ Đầm Triều) có cao độ từ 1,7 m đến 1,85 m, thấp hơn các khu vực chung quanh trung bình tầm 30 cm. Trên địa bàn quận có nhiều điểm xả trực tiếp ra sông không có hệ thống thiết bị ngăn triều lên, do đó khi nước thủy triều dâng cao sẽ chảy theo hệ thống cống này làm cho các tuyến phố bị ngập trong nước.

 

Sớm nâng cấp công trình ngăn triều

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục tình trạng ngập lụt ở quận Kiến An và một số địa phương khác trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại hệ thống cống ngăn triều, các công trình, cửa xả trên địa bàn gắn với đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải đồng bộ, đồng thời quy hoạch hợp lý hệ thống cống dưới đê, hệ thống thoát nước, các cửa xả và các cống ngăn triều. Bên cạnh đó, cần tính toán khả năng thoát nước mưa, nước thải của các địa phương gắn với tăng cường năng lực khai thác vận hành hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, cống ngăn triều, cửa xả hiện có một cách khoa học, hiệu quả cao hơn. Được biết, hiện các đơn vị quản lý công trình đã kiểm tra rà soát, đề xuất thành phố quan tâm đầu tư một số hạng mục công trình nhằm ngăn triều cường và tăng năng lực thoát nước trên địa bàn. Trước mắt, đối với quận Kiến An là địa phương có nhiều điểm ngập lụt do triều cường, theo đề xuất của Công ty cổ phần Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa từ D1200 mm, cống ngăn triều mới thoát ra sông Lạch Tray, kết hợp nâng cao độ mặt đường và hè của tuyến đường Trường Chinh (đoạn từ ngã 6 Quán Trữ đến chân cầu Lãm Khê) dài 630 m; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa D1200 mm (đoạn từ Trường cao đẳng Cộng đồng đến ngã 6 Quán Trữ) dài 800 m kết nối với đoạn cống tại đường Trường Chinh (đoạn từ ngã 6 Quán Trữ đến chân cầu Lãm Khê). Đối với quận Lê Chân, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cống ngăn triều bảo đảm công năng sử dụng an toàn, đáp ứng việc ngăn nước thủy triều xâm nhập vào hệ thống.

Trong khi chờ nguồn lực đầu tư từ thành phố, đơn vị quản lý công trình ngăn triều, thoát nước tiếp tục tăng cường công tác quản lý, vận hành khi mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao, thường xuyên tiến hành nạo vét miệng hàm ếch, các hố ga trên tuyến đường, đồng thời bổ sung thêm một số ga thu nước mặt, một số đoạn cống D600 mm mới tại các ngõ 226, 288, 304, 336, 402 đường Trần Nhân Tông; đường Trường Chinh…

Các đơn vị quản lý công trình trên địa bàn cần có sự phối hợp hiệu quả trong vận hành khai thác đối với các công trình thủy lợi, tiêu thoát nước nhỏ lẻ. Trong đó, cần phát huy công năng sử dụng từ cống điều tiết nước đầu mối Mỹ Khê tại phường Đồng Hòa và cống Kết phường Ngọc Sơn (quận Kiến An) do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quản lý. Mặt khác, UBND quận Kiến An cần rà soát lại hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn, có phương án, lộ trình đầu tư, cải tạo nâng cốt cơ sở hạ tầng những khu vực thấp trũng, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống hồ điều hòa trên địa bàn trong việc thoát nước. Quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thoát nước từ đường Phan Đăng Lưu qua đường Hoàng Quốc Việt ra sông Lạch Tray và Dự án cải tạo vườn hoa kết hợp hồ điều hòa Ngọc Sơn. Đây là 2 dự án lớn, góp phần tích cực tiêu thoát nước mưa cho khu vực trên. Về lâu dài, thành phố xem xét đầu tư xây dựng Trạm bơm nước mưa cưỡng bức tại khu vực cống ngăn triều Xóm Đáy để phục vụ việc tiêu thoát nước mưa khi triều cường cao.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập