Quản lý chặt, xử lý nghiêm sai phạm
Không quản lý được trữ lượng cũng như sản lượng doanh nghiệp khai thác; không có cơ quan nào chịu trách nhiệm trực tiếp về sản lượng khai thác của doanh nghiệp; doanh nghiệp tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế nhưng công tác kiểm soát, kiểm tra thuế còn nhiều bất cập… Đó là những hạn chế trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản tại Hải Phòng. Kết quả là thất thu thuế nhìn thấy rõ, nhưng các cơ quan quản lý còn loay hoay, lúng túng, đòi hỏi cần sớm có giải pháp rõ ràng, cụ thể.
![]() |
Do không quản lý được trữ lượng cũng như sản lượng khai thác nên việc thu thuế tài nguyên khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng ở thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Ảnh: Phương Duy |
Số thu chưa tương xứng
Theo Cục Thuế Hải Phòng, tổng số thuế, phí tài nguyên thu được của năm 2015 là 127 tỷ đồng ( trong đó thuế tài nguyên 43 tỷ đồng, phí 35 tỷ đồng). Năm 2016 thu được 136 tỷ đồng ( thuế tài nguyên 55 tỷ đồng, phí 37,9 tỷ đồng). Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015 được 26,9 tỷ đồng; năm 2016 được 46,2 tỷ đồng; số còn phải nộp tính đến 31- 12- 2016 là 54,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền thuê đất năm 2015 được gần 5 tỷ đồng, năm 2016 được 9 tỷ đồng; số còn phải nộp khoảng 2,5 tỷ đồng nữa.
Như vậy, mỗi năm thành phố mới thu được khoảng hơn 150 tỷ đồng đến hơn 190 tỷ đồng của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, tính đến hết quý 1- 2017, có 38 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, 50 giấy phép còn hiệu lực. Trong đó, 19 doanh nghiệp đang khai thác có phát sinh thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Số còn lại 19 doanh nghiệp chưa thu được thuế, phí với nhiều lý do như mới được cấp phép khai thác, chưa có hợp đồng thuê đất, đang chờ gia hạn giấy phép khai thác, chưa bàn giao mặt bằng, chưa đủ thủ tục khai thác…
Các khoản thu “ nhìn thấy được” nhưng chưa thu được chính là từ 19 doanh nghiệp được cấp phép và các khoản thu được chỉ ra nhưng doanh nghiệp chưa nộp như 54,7 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; 2,5 tỷ đồng tiền thuê đất… Ngoài ra, khoản tiền lớn đang bị thất thu do công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp. Càng đáng quan tâm hơn khi Hải Phòng là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú như đá vôi, đá quaczic, đá cát - kết (chiếm 1/3 diện tích tự nhiên với diện tích gần 500km2), tập trung phần lớn ở khu vực quần đảo Cát Bà, huyện Thủy Nguyên, quận Đồ Sơn và một phần trữ lượng nhỏ ở các huyện An Lão, Bạch Long Vỹ. Ngoài ra còn có sét phong hóa, đất núi làm vật liệu san lấp (Thủy Nguyên, An Lão, Đồ Sơn, Kiến An); cát lòng sông, vùng cửa sông, ven biển (sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Đá Bạc) và ven biển phường Ngọc Hải (Đồ Sơn), phía Nam Đình Vũ, cửa Lạch Huyện, cửa Nam Triệu, cửa Lạch Tray và cửa sông Văn Úc… Từ đó có thể thấy, số thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản chưa tương xứng.
Muôn vàn khó khăn
Tại cuộc giám sát của HĐND thành phố tại Cục Thuế Hải Phòng, phần đông ý kiến đều nhìn nhận, thu thuế từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đang rất khó quản và thất thu. Trong đó, yếu nhất là công tác quản lý. Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Thành, nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng chính quyền sở tại không nắm được thông tin ( cả về trữ lượng, sản lượng, năng suất khai thác, thời gian khai thác…). Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan quản lý cũng rất khó nắm sát về trữ lượng, nhất là sản lượng khai thác của các doanh nghiệp. Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết, việc quản lý thu thuế, phí hiện thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự nộp, sau đó ngành Thuế sẽ kiểm tra, thanh tra nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là sản lượng khai thác của doanh nghiệp để làm cơ sở tính thuế, chưa cơ quan nào có số liệu cụ thể, đầy đủ về sản lượng để cung cấp cho ngành Thuế. Việc khai thác vượt sản lượng khá phổ biến.
Một loạt khó khăn khác liên quan tới công tác quản lý như giấy phép hết thời hạn, nhưng việc đóng cửa mỏ không kịp thời nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác; cấp phép khai thác cát cho doanh nghiệp nhưng lại chồng lấn với khu vực nuôi ngao nên kết quả là cũng không thu được thuế; cơ quan chức năng cũng chưa kiểm soát và quản lý được nguồn gốc vật liệu san lấp tại các công trường… Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hồng Bàng Đào Đình Cường cho biết, trên địa bàn có Công ty Duy Linh được cấp phép nhưng mấy năm chưa xong quy trình thuê mặt nước nên chưa khai thác được và kết quả là cũng chưa có số thuế phát sinh. Lãnh đạo huyện Kiến Thụy phản ánh, doanh nghiệp khai thác trên địa bàn huyện nhưng trụ sở đăng ký lại ở quận Hồng Bàng, thuế cũng nộp tại quận Hồng Bàng nên việc gắn kết giữa quản lý và thu thuế thiếu đồng bộ…
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích chỉ rõ, thất thu từ hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản còn nhiều. Tình trạng này do quy định của pháp luật thiếu đồng bộ, nhưng công tác quản lý nhà nước tại thành phố cũng bộc lộ sự lỏng lẻo, chưa gắn quản lý khai thác, quản lý kinh doanh với quản lý thu, chưa gắn được lợi ích của địa phương với lợi ích thu ngân sách… Để khắc phục, thời gian tới cần có các giải pháp quyết liệt, chặt chẽ hơn, có sự gắn kết giữa cơ quan cấp phép, quản lý trữ lượng, sản lượng với cơ quan thu thuế; tăng cường đấu tranh ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp khai thác lậu, trái phép, vượt sản lượng cho phép . Cục Thuế Hải Phòng cũng đề nghị thành phố khẩn trương xây dựng quy định về trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ để xác định rõ sản lượng đã khai thác làm căn cứ tính thuế, phí, truy thu thuế, phí và thu hồi nợ phí. Ngoài ra, các trường hợp được cấp phép nhưng chậm hoàn tất các thủ tục cũng cần được rà soát, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm, thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp không còn đủ điều kiện. Lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cấp, ngành và có quy chế phối hợp mới có thể chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Hồng Thanh