Quy định không xếp loại bằng tốt nghiêp THCS: Giảm áp lực cho học sinh

10:47 SA 29/01/2024

 

Bỏ xếp loại trong Bằng tốt nghiệp THCS giảm sức ép cho học sinh trong quá trình học tập. Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An) trong tiết học.

 

(HPĐT)- Thông tư 31/2023/TTBGDĐT có hiệu lực từ 15- 2-2024 thay thế Quyết định số 11/2006/QĐBGDĐT, có điểm mới đáng chú ý là bằng tốt nghiệp THCS của người học từ năm học 2023-2024 không còn xếp loại giỏi, khá, trung bình. Quy định này nhận được sự đồng tình cao không chỉ của cha mẹ và học sinh mà còn được các nhà trường đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục mới như hiện nay...

 

Tạo nhiều thuận lợi

 

Trước đây, Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS quy định, kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình. Nay, theo Thông tư 31, bằng tốt nghiệp THCS của người học từ năm học 2023-2024 sẽ không còn xếp loại nữa. Đánh giá về quy định này, cô Đỗ Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên (quận Ngô Quyền) cho rằng, việc không ghi xếp loại trong Bằng tốt nghiệp bảo đảm học sinh không bị phân biệt khi có kết quả học tập khác nhau, giảm áp lực và quan niệm coi trọng bằng cấp hơn năng lực thực tế của người học. Điểm mới nữa của Thông tư 31 là cơ sở giáo dục được tổ chức xét tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần (trước đây 1 lần). Đổi mới này có ý nghĩa tích cực, tạo điều kiện, cơ hội và bảo đảm công bằng cho người học, không gây khó khăn cho giáo viên và gia đình. Có chăng chỉ là ảnh hưởng chút ít về tâm lý cha mẹ học sinh khi kết quả học tập, phấn đấu của con em không được thể hiện cụ thể trong Bằng tốt nghiệp.

 

Đồng tình với quan điểm trên, cô Đinh Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tràng Cát (quận Hải An) cho rằng, bằng tốt nghiệp xếp loại giỏi, khá, trung bình sẽ phân loại học lực học sinh rõ nét hơn. Khi không cụ thể xếp loại tốt nghiệp, học sinh sẽ có tâm lý học tập thoải mái, ít bị áp lực hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến học sinh giảm động lực học tập khi một bộ phận học sinh không quyết tâm, phấn đấu để có kết quả cao hơn trong năm học lớp 9, chỉ cần cố gắng để đạt mức độ đủ xét tốt nghiệp. Điểm tích cực nữa trong quy chế mới là những năm trước, quy định chỉ xét tốt nghiệp THCS một lần khiến học sinh và gia đình chịu không ít áp lực. Với quy định mới trong Thông tư 31, học sinh học hết lớp 9 được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Như vậy, học sinh có thêm cơ hội phấn đấu để được đánh giá, xét tốt nghiệp lần 2 trong thời gian 3 tháng hè, đây là quy định nhân văn, tạo thuận lợi cho học sinh. Ngoài ra, bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp còn giảm cả áp lực thành tích thi đua giữa các trường.

 

Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS giảm sức ép cho học sinh trong quá trình học tập. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Quán Toan (quận Hồng Bàng) trong tiết học

 

Không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học

 

Trước nhiều ý kiến băn khoăn việc không còn xếp loại bằng tốt nghiệp THCS của học sinh liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong các nhà trường, cô Bùi Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) phân tích: Tốt nghiệp lớp 9 THCS hiện đang là phổ cập giáo dục, điều quan trọng với phần lớn học sinh là thi vào lớp 10. Vì vậy, trên bằng tốt nghiệp các em chỉ cần ghi Đạt là đủ, còn trong học bạ có xếp loại cụ thể quá trình học tập từ lớp 6 đến lớp 9. Như vậy quá trình dạy học không hề ảnh hưởng, vẫn diễn ra đúng chương trình, bảo đảm chất lượng để có thể đánh giá sát năng lực học tập của học sinh. Bằng tốt nghiệp chỉ là căn cứ chứng minh học sinh đó đã hoàn thành chương trình THCS, còn cụ thể hơn đã có học bạ. Việc xếp loại như vậy giảm áp lực cho học sinh, nhà trường và giáo viên cũng được giảm tải trong hồ sơ xét tốt nghiệp.

 

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi cho biết: Quy định bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS tại Thông tư 31 xuất phát từ việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ của học sinh học hết cấp THCS theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và lộ trình đổi mới căn bản GD-ĐT. Quy định này phù hợp, đồng bộ với việc công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xếp loại tốt nghiệp THPT hiện hành. Việc xét công nhận tốt nghiệp THCS được thực hiện theo quy định của Điều 34 Luật Giáo dục 2019: “Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS”. Sau khi Thông tư được ban hành, Sở GD-ĐT đã kịp thời thông tin tới các nhà trường và có văn bản gửi UBND và phòng GD-ĐT các quận, huyện đề nghị các đơn vị triển khai hướng dẫn tới các trường THCS trực thuộc địa bàn và các trường phổ thông có cấp học THCS thực hiện theo đúng nội dung Thông tư và các yêu cầu về thời gian theo quy định đề ra.