Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hải Phòng: Bảo đảm tinh gọn từ cơ sở
(HPĐT)- Cuối tháng 10-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1232, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025. Hải Phòng là địa phương thực hiện sắp xếp số đơn vị hành chính (ĐVHC) giảm cấp xã nhiều thứ 2 của cả nước, với 50 ĐVHC cấp xã (do chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên), tương đương 23% tổng số ĐVHC cấp xã toàn thành phố. Việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã được thực hiện bài bản theo lộ trình, dân chủ, thận trọng, trên cơ sở sự đồng thuận của người dân, tạo tiền đề căn bản để xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh.

Rõ lộ trình, từng giai đoạn cụ thể
Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố triển khai xin ý kiến cử tri, HĐND các xã, phường liên quan và trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các ĐVHC xã, phường trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2019-2021, theo đó, sắp xếp đối với 9/223 đơn vị hành chính xã, phường. Đến 30-6-2022, trên địa bàn thành phố còn 217 xã, phường, thị trấn (giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương 2,7%). Giai đoạn 2023- 2025, thành phố thực hiện sắp xếp địa giới hành chính 4 đơn vị hành chính cấp huyện (An Dương, Hồng Bàng, Thuỷ Nguyên, Hải An) và 101 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 50 ĐVHC cấp xã. Tính đến 1-1-2025 (theo Nghị quyết số 1232 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thành phố Hải Phòng có 15 ĐVHC cấp huyện (gồm 1 thành phố trực thuộc, 8 quận và 6 huyện); 167 ĐVHC cấp xã (gồm 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã). Một số địa phương có lượng xã, phường sắp xếp lớn như: quận Lê Chân sắp xếp 12 phường để thành lập 4 phường mới (giảm 8 phường), huyện Vĩnh Bảo sắp xếp 15 xã để thành lập 5 xã mới (giảm 10 xã)…
Hải Phòng là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có số ĐVHC cấp xã phải sắp xếp và giảm lớn nhất cả nước. Cùng với đó, khi thành phố hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023- 2025, giảm 50 ĐVHC cấp xã, có 2 đơn vị cấp huyện được nâng cấp từ ĐVHC nông thôn lên ĐVHC đô thị, giúp mở rộng không gian, qua đó, giúp các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo đà phát triển kinh tế -xã hội. Trong cuộc làm việc với thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tinh giản bộ máy, đây là nhiệm vụ khá khó khăn, nhưng thành phố Hải Phòng thực hiện khá bài bản, bảo đảm quy trình, tiến độ và chất lượng. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà kỳ vọng, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện bài bản, khoa học, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hải Phòng bảo đảm phù hợp với yêu cầu tổng thể, mục tiêu chung, quy hoạch của thành phố trên cơ sở 2 nghị quyết căn bản là Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, góp phần mở rộng không gian đô thị, tạo đà để Hải Phòng vươn mình, phát triển tương xứng tiềm năng, vị thế, trở thành động lực phát triển của vùng.
Chú trọng giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh
Cụ Đỗ Đắc Thục, ở số nhà 15/305, đường Đông Khê, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền vừa tròn 100 tuổi, từng là chiến sĩ cách mạng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và có giai đoạn công tác trong hệ thống chính quyền, giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường Lạch Tray (giai đoạn 1976- 1986). Cụ Thục cho biết: Trước đây, phường Lạch Tray được sáp nhập dựa trên 3 tiểu khu. Thời điểm đó, để thực hiện công tác sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, tinh giản bộ máy chính quyền, cán bộ phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động nhân dân đồng thuận, xin ý kiến nhân dân về chủ trương, phương án thực hiện sáp nhập. Giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn quận Ngô Quyền có 6 phường thuộc diện sắp xếp, để thành lập 2 phường mới. Thành phố coi trọng công tác tuyên truyền về chủ trương, mục đích, phương án, lý do sắp xếp, thực hiện lấy ý kiến của nhân dân về tên gọi mới… tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ dư luận xã hội.
Một trong những vấn đề đặt ra là sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã, thành phố thực hiện đồng thời nhiều việc liên quan đến công tác quản lý, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm số lượng công chức, viên chức cấp xã... để kịp thời chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ cấp xã sẽ diễn ra vào đầu năm 2025. Trên toàn thành phố, có hơn 1.100 cán bộ, công chức cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn. Trong đó, 449 cán bộ cấp xã, 391 công chức cấp xã nghỉ công tác, chuyển sang công chức, tinh giản biên chế hoặc thôi việc và 307 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Do đó, theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Trung, Sở tham mưu UBND thành phố sửa Nghị quyết số 27 và Nghị quyết số 18 của HĐND thành phố, bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách nằm trong diện dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC được hưởng các chế độ, chính sách…, tạo điều kiện giúp các trường hợp này ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác. Theo đó, đối với trường hợp dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã được hỗ trợ bằng 1,5 tổng kinh phí được hưởng theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ. Tổng kinh phí để tính mức hỗ trợ này không bao gồm kinh phí được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 29 của Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 đến 31-12-2030. Đây là chính sách riêng của thành phố Hải Phòng, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích đối với các trường hợp chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp ĐVHC.
Đồng thời, phương án về việc sử dụng các trụ sở, bàn giao tài sản công… cũng được các sở, ngành, địa phương, xây dựng phương án, tính toán cụ thể, bảo đảm phù hợp quy hoạch, điều kiện thực tế. Cùng với đó, Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ người dân khi chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan khi chuyển đổi các ĐVHC cấp xã. Tại kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố khóa 16 diễn ra hồi tháng 7-2024, thông qua Nghị quyết số 01 về miễn giảm một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND thành phố trên địa bàn thành phố Hải Phòng liên quan tới việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 đến hết ngày 31-12-2032.
Kiên định và khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hải Phòng nỗ lực thực hiện trong thời gian tới là tập trung thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị thành phố theo tinh thần Kết luận số 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Hải Phòng phấn đấu trở thành địa phương đi đầu, thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt để bảo đảm tiến độ hoàn thành trong quý 1- 2025. Quá trình sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ gắn bó chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm, chuẩn bị nhân sự tốt nhất dành cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.