Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ

02:41 CH 23/11/2022

 

 

Thành viên Hội đồng Khoa học - Công nghệ cấp thành phố khảo sát cơ sở sản xuất ắc-quy LFP của Công ty CP Ngọc Lục Bảo Hải Phòng.

 

(HPĐT)- Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang có nhiều chuyển biến tích cực. Song, để hoạt động này đi vào chiều sâu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) của thành phố cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường

Sau 18 tháng triển khai, tháng 10-2022, nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước “Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phụ gia bê tông siêu dẻo” do Công ty TNHH Lee Zar Việt Nam (quận Ngô Quyền) chủ trì thực hiện, được Hội đồng KHCN cấp thành phố đánh giá nghiệm thu. Phó giám đốc Công ty TNHH Lee Zar Việt Nam Lê Bá Ban cho biết: Sản phẩm chính của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là dòng sản phẩm phụ gia siêu dẻo giảm nước mức cao lên tới 45%, vượt qua mức giảm nước của các sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay. Đồng thời, sản phẩm thúc đẩy đạt cường độ sớm, phục vụ sản xuất bê tông cấu kiện đúc sẵn cường độ cao, bê tông ly tâm ứng suất trước mác 80-1.000 Mpa với các tính năng và giá rẻ vượt trội so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 18-20%. Nhờ những tính năng ưu việt so với các phụ gia cùng loại, sản phẩm phụ gia siêu dẻo mang lại doanh thu cho công ty đến hết quý 3-2022 gần 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong 3 năm tới, sản phẩm hoàn thiện và đi vào giai đoạn khai thác thị trường sẽ nâng tổng mức doanh thu gấp 10 lần.

Cùng trong tháng 10- 2022, nhiệm vụ KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất ắcquy Lithium (LiFePO4, LFP) phục vụ công nghiệp và giao thông vận tải” do Công ty CP Ngọc Lục Bảo Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên) chủ trì, phối hợp giảng viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện được Hội đồng KHCN cấp thành phố tư vấn, đánh giá, nghiệm thu. Theo Giám đốc Công ty CP Ngọc Lục Bảo Hải Phòng Đặng Khắc Thơ, mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ thiết kế và sản xuất ắc-quy LFP, có hiệu suất làm việc cao hơn so với ắc-quy axit chì thông thường cùng kích cỡ, tính toán hiệu quả tối ưu về chi phí sản xuất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi công nghệ pin Lithium chưa phổ biến ở Việt Nam, đơn vị phải tự chủ thiết kế, chế tạo thiết bị cho nhiều hạng mục sản xuất. Sở KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các đơn vị nghiên cứu khoa học trong thành phố để hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật. Nhờ đó, đến nay, nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ thiết kế và thử nghiệm sản phẩm đạt mục tiêu đề ra. Sản phẩm ắcquy LFP bước đầu được thương mại hóa trên thị trường, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp.

Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp tại Hải Phòng những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn trung bình mỗi năm có từ 4-5 nhiệm vụ KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước do doanh nghiệp chủ trì thực hiện, trong khi giai đoạn trước hầu như không có doanh nghiệp tham gia nghiên cứu KH-CN.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là nguồn lực, khiến hoạt động nghiên cứu, sản phẩm KH-CN mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo tính đột phá, dẫn dắt thị trường. Do đó, để phát triển thị trường KH-CN, thành phố, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Theo Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN) Đặng Trần Kiên, năm 2022, Sở KHCN hỗ trợ 15 doanh nghiệp phát triển thành doanh nghiệp KH-CN, trong đó, hơn 50% số doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm, đánh giá, tư vấn. Với doanh nghiệp có nhu cầu hoàn thiện sản phẩm, Sở hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước, với mức kinh phí phụ thuộc vào từng nhiệm vụ thông qua danh mục nhiệm vụ KH-CN được UBND thành phố phê duyệt hằng năm. “Bên cạnh hỗ trợ từ thành phố, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, nhận thức, thu hút nguồn lực xã hội thông qua Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp để đầu tư hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp”, Trưởng Phòng Quản lý khoa học Đặng Trần Kiên nêu rõ./.

 

 

Việc UBND thành phố ban hành Quyết định 2026 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH-CN thành phố đến năm 2025, tạo động lực để các doanh nghiệp thành phố tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, đơn vị có sản phẩm KH-CN được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Nhờ lợi ích mang lại, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động KH-CN để đổi mới cải tiến công nghệ, đưa ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh trên thị trường, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.