Thực hiện tích tụ ruộng đất tại huyện KiếnThụy: Khắc phục tình trạng lãng phí đất đai

11:21 SA 02/12/2023

 

Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới tại xã Tú Sơn hình thành từ tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trung Kiên

 

(HPĐT)- Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy ban hành Nghị quyết số 08 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai nghị quyết, huyện chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, bước đầu tăng cường quản lý quy hoạch đất đai, khắc phục tình trạng ruộng bỏ canh tác, tạo quỹ đất nông nghiệp thu hút đầu tư, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Nhiều mô hình hiệu quả cao

 

Ngay sau khi Nghị quyết số 08 ngày 25-4-2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy được ban hành, UBND huyện, các địa phương và các ngành chuyên môn tích cực vào cuộc, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, người có đất nhưng không tổ chức sản xuất cho thuê, mượn lại ruộng. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tích tụ ruộng đất về hồ sơ thủ tục.

 

Theo đó, huyện triển khai 11 mô hình tích tụ ở 8 xã, tổng diện tích 120 ha, khắc phục 68,5 ha đất bỏ hoang, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra có 6 mô hình đang triển khai, đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, khắc phục 58,5 ha đất bỏ hoang. Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sắn dây theo hướng hữu cơ tại xã Thụy Hương (gần 1 ha); mô hình trồng lúa của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương tại xã Ngũ Đoan (diện tích 21,9 ha); mô hình trồng hoa tại xã Du Lễ (1 ha); các mô hình trồng lúa, lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng sen…

 

 Nhận thấy diện tích ruộng bỏ canh tác tại địa phương ngày càng nhiều, được sự tạo điều kiện của huyện Kiến Thụy và chính quyền xã Tú Sơn, Hợp tác xã sinh thái Ba Thôn được thành lập, ký hợp đồng thuê đất trồng lúa của các hộ dân với kinh phí thuê 200.000 đồng/sào/năm, trả tiền trước 5 năm. Phó giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Duy Hải cho biết, trên diện tích gần 20 ha, HTX trồng lúa nếp, còn lại đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng ớt, các loại rau gia vị, cây dược liệu. Trung bình mỗi năm, đơn vị cung cấp hơn 20 tấn dược liệu, 30 tấn thóc, 150 tấn cá nước ngọt và hơn 50 loại rau gia vị, ớt các loại cho thị trường, có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Giá trị sản xuất đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

Tại mô hình trồng rau quả sạch của HTX nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng (xã Đại Đồng), tuy mới triển khai đầu năm 2023, trên diện tích tích tụ 1,2 ha, HTX cải tạo xây dựng nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tự động và trồng các loại rau quả. Trong đó, sản lượng dưa lưới đạt khoảng 1,5 tấn/sào, dưa lê đạt 1 tấn/sào, đáp ứng nhu cầu rau quả sạch cho thị trường…

 

 Vận dụng linh hoạt trong triển khai

 

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lưu Văn Thụy, để các mô hình tích tụ ruộng đất phát huy hiệu quả, huyện vận dụng các nguồn lồng ghép để bố trí hỗ trợ sản xuất, trong đó ưu tiên các mô hình tích tụ, như: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 11 mô hình lúa quy mô 150,5 ha từ nguồn hỗ trợ đất trồng lúa; hỗ trợ chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 3 phương án sản xuất trồng trọt từ nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025; phân bổ 3,29 tỷ đồng kinh phí thành phố hỗ trợ cho 18 xã, thị trấn. Huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng… tại các khu vực còn duy trì sản xuất, các mô hình tích tụ. Đồng thời triển khai xây dựng, nạo vét 7 công trình thủy lợi từ nguồn kinh phí bảo vệ đất trồng lúa.

 

Bên cạnh những kết quả bước đầu, hiện số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư tích tụ ruộng đất trên địa bàn còn ít. Việc triển khai các thủ tục thuê đất của người dân gặp nhiều khó khăn, do bà con còn e ngại, sợ mất ruộng đất. Việc lập sơ đồ hiện trạng của các thửa đất tích tụ gặp khó khăn do bỏ canh tác lâu ngày, một số địa phương chưa thiết lập xong sơ đồ giao ruộng sau dồn đổi. Việc cải tạo ruộng sau tích tụ cần nguồn kinh phí lớn...

 

Với mục tiêu mỗi xã có ít nhất 1 mô hình tích tụ ruộng đất mới, năm 2024, huyện phấn đấu tích tụ 150 ha, giai đoạn 2023-2025 đạt 500 ha. Tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với cán bộ, đảng viên, nhân dân các xã về việc thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung vào ngày 14-11 vừa qua, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, rà soát diện tích ruộng bỏ không canh tác để xây dựng lộ trình thực hiện tích tụ ruộng đất theo từng năm, từng vụ. Trước mắt, gắn chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2024 với chỉ tiêu tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng để hoang hóa đất đai. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ mô hình tích tụ ruộng đất; rà soát, xử lý các vi phạm, vướng mắc về đất đai, nhất là hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục liên quan tới đất đai, xây dựng, môi trường khi thực hiện tích tụ ruộng đất.