Khẳng định đóng góp của Trạng Trình trong lịch sử dân tộc

04:48 CH 29/11/2024

(HPĐT)- Với gần 30 báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, hội đồng khoa học cấp quốc gia và thành phố, Hội thảo “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16” đưa ra những luận cứ mới, tiếp tục khẳng định, ghi nhận công lao, đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử dân tộc...

 

Lễ hội Đền Trạng Trình thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan hằng năm. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

Tư tưởng minh triết, lượng tác phẩm đồ sộ 


PGS.TS Lê Thị Lan, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những triết gia xuất sắc nhất của Việt Nam, lấy thơ để thể hiện tư tưởng triết học của mình. Theo PGS.TS Lê Thị Lan, triết lý về tự nhiên, về con người và đạo làm người hòa quyện vào thơ, vào đời ông khiến triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm vô cùng gần gũi, bình dị, dễ hấp thụ, dễ nhận diện bởi nó biểu đạt bằng thơ. Đồng thời, triết học của ông cũng vô cùng sâu xa, trừu tượng và uyên bác bởi nó phản ánh những tri thức triết học phổ quát mang tầm vũ trụ và ẩn chứa những giá trị nhân văn có tính vĩnh hằng không phải dễ nhận thức và vận dụng. Những vấn đề triết lý đạo đức mà ông truyền tải là vấn đề của mọi thời đại, có giá trị vượt khỏi giới hạn về thời gian, không gian và vẫn vô cùng ý nghĩa cho đến ngày nay. 


Còn TS Lê Quang Chắn, Phó viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, dưới thời Mạc xuất hiện tư tưởng triết học mà Nguyễn Bỉnh Khiêm “nổi lên như hiện tượng đặc biệt: Ông là người chiêm nghiệm, nhà thông thái, đại diện cho tinh thần văn hóa của thời đại”. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, là một nhà Nho, nhất lại là người tinh thông Đạo học (Lý học), tuy chưa thoát khỏi giáo điều của Nho gia nhưng do sống gần dân, tiếp thu được tư tưởng, tình cảm của nhân dân nên đạo lý trong thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự giản dị, lành mạnh, mang tính chất nhân ái, tương xứng với truyền thống đạo đức tốt đẹp, lâu đời của dân tộc...

 

Vĩ nhân mang tầm thời đại 


Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, miền là đất địa linh, nhân kiệt, Hải Phòng là quê hương của nhiều vị khoa bảng lỗi lạc trong lịch sử; trong đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị Trạng nguyên triều Mạc thế kỷ 16 mà tên tuổi, tầm vóc còn âm vang mãi đến ngày nay. Những năm qua, Hải Phòng tích cực gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những di sản của ông để lại. Thành phố nhiều lần tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc; đồng thời quy hoạch, tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đưa lễ hội Đền thờ Trạng Trình ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Đáng chú ý, UBND thành phố quyết định thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585-2035), khẳng định tầm vóc lớn lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế. TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thông tin, hội thảo lần này đánh giá sâu sắc, toàn vẹn và giàu luận cứ khoa học về 3 nhóm nội dung chính: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16 và quê hương, thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên nền tảng không gian văn hóa xứ Đông; nền tảng tư tưởng, nội hàm tư duy của danh nhân để từ đó đưa ra nhận thức khoa học về đóng góp, vai trò, ảnh hưởng của ông trên các lĩnh vực: văn học, sử học, triết học, quân sự... không chỉ có giá trị trong thế kỷ 16 mà còn tác động đến thời đại sau này; tư liệu và di sản văn hóa liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm... 


Tổng kết hội thảo, GS. TSKH. NGND. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo lần đầu đưa ra nhận thức mới về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã vượt lên trên tầm một danh nhân văn hóa, mà là một vĩ nhân trong lịch sử dân tộc. Gợi mở về xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, GS. TSKH. NGND. Vũ Minh Giang đánh giá, những nội dung căn bản đã cơ bản hoàn thiện, như về sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp văn chương, những đóng góp đối với sự phát triển của đất nước; song cần gia cố thêm các phần việc: Biên dịch, quảng bá, giới thiệu trên trường quốc tế để có sự thừa nhận, đề cử của các nước, của tổ chức trong UNESCO; trong đó các tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có giá trị vô cùng, nên chăng tập hợp lại để trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, góp phần để Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, tài năng, đóng góp của Trạng Trình toàn diện, song cần nhấn mạnh vào những khía cạnh mà thế giới đang đề cao như giáo dục, văn hóa, có tư tưởng hòa bình... Hải Phòng - quê hương của cụ, nên xây dựng hồ sơ để tham gia vào chuỗi thành phố giáo dục toàn cầu, tiếp nối truyền thống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những điều chúng ta đã biết để làm hồ sơ dày dặn hơn. 


 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập