Lễ cúng ông Công, ông Táo: Cốt ở lòng thành
(HPĐT)- Đến hẹn lại lên, đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình lại chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo, mong cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc. Năm nay, nghi lễ cúng Táo quân tại nhiều gia đình giữ nền nếp, cũng được tổ chức linh hoạt, tránh lãng phí…
Tổ chức linh hoạt, phù hợp
Là công nhân Khu công nghiệp VSIP với vốn thời gian eo hẹp, chị Hoàng Thị Ni bộc bạch, năm nào Tết Táo quân không vào ngày nghỉ thì gia đình chị sẽ tổ chức lễ tiễn Táo quân từ tối 22 tháng Chạp. Năm nay cũng vậy, lễ ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày giữa tuần, bố mẹ phải đi làm, các con đi học, gia đình chị Ni chủ trương không chuẩn bị, bày biện quá nhiều, cốt sao thành kính và ấm cúng. Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo được chị Ni chuẩn bị từ sớm, riêng đĩa xôi cúng in hình cá chép được chị thay thế cho việc cúng cá chép sống như mọi năm. “Không kịp chuẩn bị cá chép sống, gia đình tôi vẫn cúng “cá” để ông Táo cưỡi về chầu trời…”, chị Ni chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Tố Oanh, trú tại phố Minh Khai (quận Hồng Bàng) cho biết, gia đình chị thường làm lễ đúng vào sáng 23 tháng Chạp. Mọi đồ lễ đều được chuẩn bị từ nhiều ngày trước với các món mặn, ngọt và cả những món chay. Riêng vàng mã thì từ nhiều năm nay, gia đình chị Oanh không mua sắm nhiều, tránh lãng phí. “Lễ cúng ông Công, ông Táo quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ, không nên đặt nặng lễ bái, phẩm vật, lạm dụng vàng mã, vừa làm ảnh hưởng mỹ tục, vừa tác động tiêu cực tới môi trường”, chị Oanh bày tỏ.
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Tết Táo quân là sự kiện quan trọng, mở đầu cho mùa lễ Tết truyền thống của người Việt. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Đồ lễ thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo; ngoài ra còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận. Lễ cúng thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Với việc thực hành nghi lễ đúng mực, mỗi người góp phần bồi đắp, trao truyền, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại. Năm nay, Tết Táo quân không vào ngày nghỉ, nên các phần việc chuẩn bị cho mùa lễ Tết truyền thống được nhiều gia đình lên kế hoạch từ sớm. Vẫn những đồ lễ truyền thống, nhưng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình, mà chọn thực hành nghi lễ vào chiều 22 tháng Chạp, thậm chí dịp cuối tuần trước đó…
Nét đẹp văn hóa của người Việt
Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Ở Việt Nam, thờ Táo quân có chủ điểm thờ là bếp lửa nấu nướng với ý nghĩa trọng bếp lửa gia đình, nơi nuôi nấng mọi cá nhân, tôn trọng vai trò người phụ nữ. Người Việt cúng cá chép đỏ khi cúng ông Táo vì có truyền thuyết cá chép được dùng làm vật cưỡi của Táo quân, nhưng bên cạnh đó có nhiều căn nguyên văn hoá. Cụ thể, với ý tưởng “cá chép gắn liền với bếp lửa”, sách xưa ghi rằng, cư dân phương Nam đẽo “mộc ngư” (cá gỗ) làm móc treo nồi khi nấu nướng ở bếp, đó là công cụ bếp quen thuộc. Cá chép là loại cá nước ngọt thường dùng trong cúng tế vì thịt ngon, ít xương. Vảy cá chép được dùng tạo hình cho hình ảnh rồng nên nó mang tính thiêng của rồng. Truyện “cá chép hoá rồng” nói về công phu tu luyện của cá chép nên có thể bay lên trời như rồng. Cá chép có màu đỏ là màu lửa và cũng là màu may mắn, nghĩa tình của phương Đông.
Cũng theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, trong nghi lễ cúng Táo quân, cái nên là sự kính cẩn, thành tâm, giản dị; còn tuỳ điều kiện của mình mà làm lễ - “tuỳ tiền biện lễ” là vậy, không ganh đua, theo nhau tốn kém quá mức. Điều đáng lưu ý, sau khi cúng xong, khi thả cá, mọi người cần chú ý một số điều như: Chọn mua những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy; chọn thả cá về đúng môi trường mà cá có thể sinh sống; không nên ném cả túi nilon cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài; nhặt, vứt túi nilon đúng nơi quy định… Mỗi người dân hãy ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường xanh và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.