Dồn lực cho học sinh cuối cấp

05:25 CH 14/04/2025

(HPĐT)- Thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), với quy định dạy 2 tiết/môn học/tuần đối với các môn thi của học sinh cuối cấp, các trường THCS trên địa bàn thành phố sớm xây dựng kế hoạch, trong đó nhận diện khó khăn để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, bởi đây là kỳ thi quan trọng, quyết định "suất" vào trường THPT công lập.

 

Giáo viên Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An) tích cực đồng hành học sinh cuối cấp.

 

Tích cực hỗ trợ 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, theo cấu trúc đề thi minh họa được Sở GD-ĐT ban hành, môn Toán thi trắc nghiệm thay vì tự luận như trước, thời gian làm bài cũng thay đổi từ 120 phút còn 90 phút. Theo nhận định của nhiều giáo viên Toán, với hình thức làm bài trắc nghiệm, học sinh không phải trình bày nhiều, nhưng đòi hỏi phải có tư duy tổng quát, kỹ năng làm bài nhanh, kiến thức rộng mới hoàn thành tốt, nhất là có 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn, học sinh phải làm tất cả các bước trên nháp như tự luận mới ra được kết quả. 

Khi Thông tư 29 có hiệu lực, quỹ thời gian luyện đề không còn "dư dả", các trường cũng không dám vận dụng linh hoạt, sáng tạo việc dạy học vì sợ vi phạm quy định. Để vừa bảo đảm chương trình năm học, vừa hỗ trợ học sinh, nhiều giáo viên tận dụng tối đa thời gian chính khóa bổ trợ kiến thức, đồng thời hướng dẫn học sinh luyện đề qua app ôn luyện. Để hỗ trợ học sinh, cô Nguyễn Thị Ninh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân) chủ động đến sớm trước khi tiết học bắt đầu và kết thúc muộn hơn để giải đáp kiến thức cho học sinh. Theo cô Ninh, đây là năm học đầu thực hiện thi Toán 100% trắc nghiệm, nguồn đề không có nên giáo viên phải nỗ lực ôn luyện cho học sinh. Trên cơ sở đề minh họa của Sở GD-ĐT, cô xây dựng các đề giống như đề thi minh họa để học sinh luyện, ngay cả tiết dạy trên lớp có những bài học được xây dựng theo cấu trúc đề thi... 

So với đề thi năm ngoái, với môn Văn cũng có những thay đổi khi ngữ liệu lấy ngoài sách giáo khoa. Theo cô Bùi Thị Oanh, giáo viên Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), đây là thử thách đối với học sinh, nhất là những em không cập nhật và bổ sung kiến thức xã hội. Tiếp cận nội dung mới không có trong bài học sẽ khiến không ít học sinh khó hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm để cảm thụ và phân tích tốt. Để hỗ trợ học sinh, ngoài quay video bài giảng, chia sẻ các kỹ năng nhận biết và phân tích đề, cô còn yêu cầu học sinh tích cực cập nhật thông tin, thời sự để mở rộng kiến thức xã hội. Là một trong 3 môn thi tuyển sinh vào 10, với môn Anh, trong điều kiện hạn chế thời gian kèm cặp học sinh trực tiếp, cô Nguyễn Thị Hồng Luyến, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền), cùng tổ nhóm chuyên môn có nhiều giải pháp tích cực nhằm khuyến khích học sinh tự học và kiểm soát chất lượng ôn tập. Cô giao bài và kiểm tra bài hàng ngày tại các giờ học chính khoá; lập các nhóm ôn theo chuyên đề, dạng kiến thức và mức độ học sinh; đồng hành cùng cha mẹ quản lý, kiểm tra số lượng, chất lượng bài tập... Chính nhờ sự quan tâm, sát sao của giáo viên, nhiều học sinh dần bắt nhịp với nền nếp học tập mới, em Vũ Việt Phương, lớp 9A2, Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), cho biết: "Việc tự học, tự ôn ở nhà vào các chiều ban đầu khiến em lo lắng, nhưng cô giáo thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc và sẵn sàng hỗ trợ giúp em dần ổn định tâm lý. Em hy vọng đề thi Toán, Anh sẽ tập trung vào chương trình lớp 9, đề thi Văn gần gũi với cuộc sống để làm bài hiệu quả hơn"...

 

Giáo viên Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) tích cực đồng hành học sinh cuối cấp.

 

Phối hợp chặt chẽ cùng gia đình 

Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14-2-2025, là thời điểm học sinh và các nhà trường đã hoàn thành hơn nửa chặng đường của năm học. Việc triển khai thực hiện giữa năm học tác động nhất định đối với học sinh cuối cấp. Tại Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), thầy Nguyễn Văn Lạc, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường tích cực xây dựng môi trường tự học cho học sinh, tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường để học sinh có thể đến trường vào các chiều tự học. Nếu cần thiết, thầy cô sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp thắc mắc. Mục tiêu của trường là giúp tất cả học sinh khối 9 củng cố kiến thức vững chắc, đồng thời phối hợp gia đình để xây dựng ý thức tự học khi không học chính khóa tại trường. Còn tại Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng), theo thầy Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng nhà trường, để học sinh tự học ở nhà trong thời gian trống, nhà trường tuyên truyền tới giáo viên nỗ lực nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, giao bài cho học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, nhà trường khuyến khích học sinh tự học, học sinh giỏi kèm học sinh chưa giỏi, giáo viên phối hợp gia đình thường quản lý, kiểm tra học tập ở nhà của các em... 

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: Sở căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh lớp 9, là năm đầu thực hiện thi tuyển theo Chương trình GDPT 2018, để xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi phù hợp. Để nâng cao hiệu quả kỳ thi, Sở chỉ đạo các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy tại các giờ học chính khóa, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ học tập và hướng dẫn kỹ năng tự học cho học sinh ở nhà. Sở cũng yêu cầu các trường phối hợp với gia đình quản lý, chăm sóc, tránh gây áp lực để ngoài hành trang kiến thức, các em còn có sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho kỳ thi tới. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập