Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy



Tại Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên” vừa được tổ chức tại Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân), điều khiến cán bộ quản lý, giáo viên tâm đắc là hiệu quả đặc biệt của AI trong hỗ trợ giảng dạy. Trước đây, môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Lý, Hóa, Sinh) thường khiến học sinh “ngại” vì các khái niệm mang tính trừu tượng và phức tạp nên nếu chỉ dạy với sách giáo khoa, kiến thức dễ bị trôi. Tuy nhiên, tại giờ lên lớp “Giới thiệu về liên kết hóa học” có sự hỗ trợ đắc lực của AI, học sinh được trải nghiệm trực quan sinh động thông qua hình ảnh minh họa kiến thức mà trước đây chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Ghi nhận hiệu quả AI mang lại trong công tác giảng dạy, nhưng cô Đỗ Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) cho rằng, để AI hiện hữu thường xuyên trong các bài giảng hằng ngày của giáo viên không đơn giản. Điều đó đòi hỏi sự đồng bộ về cơ sở vật chất nhà trường, trình độ giáo viên và cả năng lực học sinh. Cô Hiền cho biết, để có thể ứng dụng thành thạo phần mềm mô phỏng cấu trúc và quá trình hình thành liên kết hóa học, với bản thân cô là cả một nỗ lực lớn, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ và trang bị các phần mềm hỗ trợ. Còn theo cô Lưu Thị Mai Phương, giáo viên Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân), ứng dụng AI trong giảng dạy mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, so với tiết học truyền thống, giáo viên không chỉ giỏi công nghệ mà còn phải đầu tư nhiều hơn về thời gian, công sức xây dựng bài giảng trong khi khối lượng công việc, tiết dạy không thay đổi.

.png)
Đồng quan điểm, nhưng ở cấp quản lý, điều khiến cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà đặt ra là việc kiểm soát, tránh hiện tượng học sinh và cả giáo viên lạm dụng AI trong làm bài tập và soạn giảng. Cô Hương cho rằng, công cụ AI có tác động tích cực đến tư duy sáng tạo của giáo viên, học sinh, tạo cơ hội để người sử dụng khám phá những kiến thức, kỹ năng mới, giảm thiểu nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt tiêu cực là giảm tính sáng tạo. Nếu không có sự định hướng và kiểm soát tốt, người dùng sẽ trở nên phụ thuộc, lâu dần sẽ mất tự tin và suy giảm kiến thức, có thể dẫn đến hậu quả khó lường...



Trong các hội thảo chuyên đề về ứng dụng công nghệ trong dạy học do Sở Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức, có một nội dung được đưa ra thảo luận thu hút sự quan tâm của các nhà giáo, đó là không nên lạm dụng công nghệ trong dạy học.

Ứng dụng công nghệ giúp tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, có những tiết dạy, giáo viên trình chiếu cho học sinh quá nhiều hình ảnh, video clip, số liệu... khiến học sinh bị “quá tải”, vô tình làm mất vai trò trọng tâm của giáo viên. Mặt khác, việc lạm dụng âm thanh, hình ảnh còn dễ làm học sinh mất tập trung vào nội dung bài học mà lại hướng chú ý vào màn hình, máy chiếu. Phương pháp tiếp nhận kiến thức chuyển từ hình thức đọc - chép trước đây sang nhìn - chép, chiếu – chép, làm giảm hiệu quả của tiết dạy.

Nắm bắt được thuận lợi, khó khăn trong việc ứng dụng AI trong hoạt động giáo dục, tại Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên” vừa được Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT quận Lê Chân tổ chức tại Trường THCS Trần Phú là dịp để cán bộ quản lý, giáo viên thành phố nhìn nhận về vai trò và xu hướng của AI đối với hoạt động giảng dạy trong các nhà trường. Theo cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà, hội thảo là cơ hội tốt để người làm công tác quản lý hoạch định, đầu tư, xây dựng kế hoạch triển khai sớm cả về cơ sở vật chất và nhân lực phù hợp với thực tế nhà trường. Còn cô Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho rằng: Cốt lõi của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy không chỉ để mọi người nhìn nhận vai trò của AI trong giáo dục, mà quan trọng là tạo cú huých thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của cả cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó không chỉ là vấn đề không ngừng tự trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, trình độ để làm chủ, sử dụng công nghệ phục vụ công việc, hoạt động giáo dục mà còn là cách giải quyết những thách thức của việc ứng dụng AI trong giáo dục.

Đánh giá về vai trò và xu hướng của sử dụng các thiết bị thông minh và công nghệ tiên tiếntrong giảng dạy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho rằng: Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó có năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Để phát triển toàn diện năng lực của học trò, thầy cô giáo cần đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Trong đó ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng các thiết bị thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý, trong giảng dạy và học tập là xu hướng tất yếu. Mặc dù lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục là rõ ràng, nhưng quá trình này khi triển khai với ngành không tránh khỏi thách thức. Đối với giáo viên, học sinh, việc làm quen với công nghệ mới có thể gặp khó khăn. Giáo viên cần thời gian để thích nghi và cập nhật kỹ năng, còn các nhà trường cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực phù hợp.

.png)
