Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 10)

11:24 SA 12/04/2025

(HPĐT)- Không khí phấn khởi, sôi nổi, hào hùng bao trùm cuộc họp. Vừa nghe báo cáo vừa trao đổi ý kiến. Mỗi tin tức là một sự kiện, một tình huống, cần được xử trí kịp thời.

 

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt đánh chiếm Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi. Ảnh: TTXVN

 

10 giờ, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi một điện khẩn vào chiến trường: 

1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng. 

2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch... Ký tên: Ba”. 

Tin về dồn dập. Các cán bộ tác chiến, quân báo, thông tin, cơ yếu... quên nghỉ, quên ăn. Đang làm việc cách Sài Gòn gần 2.000 km mà ai cũng thấy mình như đang ở ngay mặt trận, cùng đồng đội, đồng bào tiến công và nổi dậy, góp sức giành toàn thắng.

 Tối 29-4. 

Tôi chủ trì buổi giao ban, nghe đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo tổng hợp tình hình. Các cánh quân của ta trên năm hướng đã đồng loạt nổ súng, hiệp đồng chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng chủ yếu, mở cửa thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. 

Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, bắt sống viên tư lệnh sư đoàn Lý Tòng Bá. Nhân dân vùng đất thép Củ Chi nổi dậy chiếm quận lỵ. Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 đánh chiếm thị trấn Tân Uyên, bao vây Phú Lộc và tiến xuống Lái Thiêu. Hướng Tây Nam, Đoàn 232 chiếm thị xã Hậu Nghĩa, chi khu quân sự Đức Hoà, thị xã Tân An, thị trấn Bến Lức. Nhân dân vùng Hóc Môn, Bà Điểm và xã Phú Thọ Hoà nổi dậy. 

Hướng Đông, địch ngoan cố chống cự. Quân đoàn 4 tiến chậm. Quân đoàn 2 phát triển thuận lợi hơn. Đơn vị thọc sâu của Quân đoàn 2 đã vòng qua căn cứ Long Bình, đang phát triển theo xa lộ. 

Ở ven đô, các lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy, phối hợp các binh đoàn chủ lực. Bộ đội phát triển đến đâu, vùng giải phóng mở rộng đến đó. Nhìn chung, địch đối phó yếu ớt, tan rã nhanh, phần lớn rút chạy hoặc đầu hàng khi bị tiến công. 

Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. 
Riêng cánh quân phía Đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng trước từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20 km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp. 
Điện của anh Tấn đến vào lúc nửa đêm. Cục Tác chiến đánh thức tôi dậy. Nửa giờ sau, tôi và anh Lê Hữu Đức tới nhà anh Ba. 
Sau khi anh Đức đọc bức điện, tôi đề nghị chuẩn y cho cánh quân phía Đông đánh vào 18 giờ chiều ngày 29-4, sớm hơn giờ G mười hai tiếng.
 Anh Ba đồng ý và nói: Đánh, đánh, đánh thôi anh ạ! Lúc này, cánh quân nào phát triển thắng lợi là tạo thắng lợi chung cho toàn chiến dịch. 
Tôi hỏi: 
- Điện ký tên anh chứ? - Không! Anh là Tổng Tư lệnh, ký tên anh. 
Một thoáng sau, anh Ba nói thêm: Ký thêm tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với anh Ba và anh Ba nhất trí. 

Về tới Tổng hành dinh, tôi viết ngay điện trả lời anh Tấn, đồng điện cho anh Dũng. Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đồng ý để cánh quân phía Đông nổ súng sớm hơn kế hoạch. 

Như vậy, trên thực tế từ 18 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu. 

Trời đã về khuya. Cục Quân báo vừa nắm được tình hình địch mới nhất. Anh Cao Văn Khánh điện gấp cho các chiến trường: “Có tin địch ra lệnh cho các tàu hải quân ở Cần Thơ, Đồng Tâm và Phú Quốc tập trung ở một địa điểm và một số tàu đổ bộ chuẩn bị đi sang đảo Guam. 78 máy bay của ngụy đã chuyển đến Utapao... Theo dõi xem tàu hải quân có chở bộ binh theo không và có kế hoạch đánh cho kịp”. Lại một đêm nữa, cả Tổng hành dinh cùng thức với chiến trường, vì miền Nam, vì cả nước. 

Ngày 30-4-1975. Gần ba mươi năm qua, mà ngày lịch sử ấy vẫn hiện lên đậm nét trong ký ức, như mới hôm nào. 

(Còn nữa) 

Trích Chương 9 hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập