Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 11)
“Nhà con rồng” hôm nay hình như rạng rỡ hơn trong gió xuân ấm áp. Ngôi nhà cũ, thêm sân rộng và cả bốn con rồng đá chầu ở bậc lên xuống như tươi tắn hơn mọi ngày. Những cây ngọc lan tán lá sum suê, toả hương thơm ngát.

Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở Chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố. Tôi phác họa trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy, với bao nhiêu công việc phải làm: hội ý Bộ Chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, chính trị trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến và nổi dậy ở phần đất còn lại sau khi Sài Gòn giải phóng, điện động viên bộ đội, nhắc nhở chấp hành nghiêm các chính sách vào thành...
Bất giác, tôi nhớ lại ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 7-5- 1954. Lẽ tất nhiên ở đây có rất nhiều điểm khác. Thế nhưng, cũng cái không khí phấn khởi sôi nổi ở Sở Chỉ huy, cũng những giờ phút nao nức đón tin vui từ phía trước điện về, những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch. Và nhất là cũng cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương, sôi nổi, vừa đàng hoàng, chủ động, vừa lo lắng chờ đợi, vừa vui sướng, tự hào, lúc này không còn là của riêng ai trong ngày toàn thắng của dân tộc.
Anh Ba, anh Trường Chinh, anh Đồng cũng đến đây sớm hơn thường lệ. Các anh khác trong Bộ Chính trị lần lượt đến sau, đông đủ. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn - Gia Định, thảo luận công việc và đón tin toàn thắng. Anh Cao Văn Khánh, trực ban ngày hôm ấy, túc trực tại phòng tác chiến, chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới nhất. Các mũi tiến công của quân ta phát triển rất nhanh về hướng trung tâm thành phố. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần, chỉ còn tính từng giờ. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, đang phát biểu phải dừng lại giữa chừng, nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận.
Anh Khánh báo cáo: Đại sứ Mỹ Matin chuồn khỏi Sài Gòn lúc 4 giờ 15 phút sáng. Hy vọng của ông ta thoả hiệp, đàm phán với “Việt cộng” tan vỡ như bọt xà phòng.
Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trong cánh quân phía đông của anh Lê Trọng Tấn đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo của ta ở Nhơn Trạch đã bắn hơn 300 viên đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Các đơn vị đầu tiên đang tiến từ cầu Tân Cảng vào Sài Gòn. Quân đoàn 4 tiến về Hố Nai. Địch liều mạng chống giữ. Ta tiêu diệt Hố Nai, đang tiến công sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, chuẩn bị tiến vào nội đô. Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 đang tiến vào ngã tư Bảy Hiền. Quân đoàn 1 đánh vào Lai Khê, Phú Lộc, Lái Thiêu, đang tiến vào Gò Vấp; một cánh quân khác đánh địch từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu.
Đoàn 232 đang tiến về hướng Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.
Trên đường số 4, quân ta đã chiếm Thủ Thừa, thị xã Tân An.
Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 Gia Định áp sát bắc sân bay Tân Sơn Nhất, mở hành lang vào ngã tư Bảy Hiền.
Bộ đội đặc công chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, cầu xa lộ Biên Hòa. Lực lượng vũ trang Biên Hoà phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ.
Ở vùng ven đô và nội đô, nhân dân nổi dậy phối hợp với bộ đội tiến công địch. Ở nhiều quận, nhiều phường xóm, đồng bào vùng lên chiếm đồn bốt địch, trụ sở ngụy quyền. Cờ cách mạng đã tung bay ở phường Tây Nhì, quận Phú Nhuận từ trưa ngày 29-4.
Một cảnh tượng điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam diễn ra hết sức hào hùng. Tiến công kết hợp với nổi dậy. Quân sự, chính trị, binh vận giáp công. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng áp đảo ngụy quân, ngụy quyền đang tan rã.
(Còn nữa)
Trích Chương 9 hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.