Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 8)

10:04 SA 10/04/2025

Qua tình hình diễn biến chiến sự, Bộ Tổng tham mưu nhận xét: hướng đông, tuy địch chống cự ngoan cố, nhưng nhìn chung có nhiều thuận lợi. Hướng Bắc và hướng Tây Bắc chậm hơn một chút. Hướng Tây Nam có thể tiến kịp các mũi khác. Hoạt động của quân ta trên đường số 4 đạt hiệu quả tốt, nếu phát triển mạnh hơn, sẽ tạo thêm điều kiện cho hướng Bắc và Tây Bắc phát triển tiến công. 

 

Quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

 

Tôi điện ngay cho anh Tấn: “Cho biết ngay dự kiến thời cơ phát triển vào nội đô, cả trong trường hợp đến mục tiêu sớm hơn thời gian quy định. Khi có thời cơ cụ thể thuận lợi, bảo đảm chắc thắng thì tranh thủ phát triển. Nếu trận địa pháo 130 đặt xong ở Nhơn Trạch và bắn được vào Tân Sơn Nhất thì Sài Gòn sẽ rung động lớn”. 

Tối 28-4, các đài phương Tây đưa tin: Hồi 16 giờ 40 phút, 5 chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo đã dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở độ cao 5.000 bộ. Một số máy bay của “không lực Việt Nam Cộng hoà” và của Hoa Kỳ bị phá hủy, trong đó có 3 chiếc AC119 và nhiều chiếc C47. Trận ném bom đã thúc giục Mỹ phải “thực hiện tối đa” việc di tản nhân viên quân sự và dân sự của họ. Hồi 20 giờ cùng ngày, 2 chiếc C130, mỗi chiếc chở 180 người, đã mạo hiểm cất cánh ngay trên đường băng vừa bị ném bom... 

Sự kiện này nằm trong ý định của Bộ Tổng tư lệnh trong việc dùng không quân chiến đấu trước và trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đã được trao đổi nhiều lần với các anh ở B2. Thượng tuần tháng 4, anh Lê Ngọc Hiền điện ra báo cáo: ta thu được một số máy bay chiến đấu và đề nghị cho người vào nghiên cứu sử dụng. Ngay sau đó, lại nhận được tin Nguyễn Thành Trung, cơ sở binh vận của ta hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch, sau khi ném bom dinh Tổng thống ngụy, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Bộ Tổng tham mưu nhất trí đề đạt với Quân ủy Trung ương cần sử dụng số phi công được Mỹ đào tạo, huấn luyện các sĩ quan lái máy bay chiến đấu của ta, sử dụng số máy bay vừa thu được tham gia chiến dịch, gây cho địch một bất ngờ lớn. 

Anh Văn Tiến Dũng cũng điện ra đề nghị cho không quân ta dùng máy bay vừa thu được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn đúng vào ngày 28-4. Tôi cầm máy trực tiếp báo cáo với đồng chí Bí thư thứ nhất. Anh Ba vui vẻ đồng ý.

 Bộ triệu tập ngay anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không - Không quân lên “Nhà con rồng”. Tôi hỏi: 

- Hiện đã thu được bao nhiêu máy bay A37 có thể dùng được?

 - Báo cáo: ở Đà Nẵng 1 chiếc, phi công ta đang dùng để học chuyển loại. Ở sân bay Phù Cát, ta thu được 5 chiếc còn nguyên, nhưng chưa bay thử. 

- Thế là tốt. Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ta ném bom Sài Gòn. Giao nhiệm vụ cho đồng chí trực tiếp tổ chức thực hiện trận đánh này thắng lợi. Thời gian đúng vào ngày 28-4 như anh Dũng đã điện ra. Việc chọn thời cơ và mục tiêu cho máy bay tiến công sẽ do anh Dũng chỉ thị trực tiếp. Về cách đánh, sẽ do Bộ Tổng tham mưu và tiền phương Phòng không - Không quân quyết định. 

Chiều 26-4, anh Tri vào tới Phù Cát. Anh Hoàng Ngọc Diêu, Phó Tư lệnh quân chủng cũng đã có mặt. Việc huấn luyện chuẩn bị người và máy bay được tiến hành rất khẩn trương. Chỉ trong mấy ngày, ta đã có một phi đội A37 sẵn sàng hoạt động. 17 giờ ngày 28-4, phi đội mang tên Quyết Thắng do Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá hủy 20 máy bay địch trên sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc công kích bất ngờ của ta bằng máy bay của Mỹ đạt hiệu quả chiến đấu lớn, nhưng hiệu quả về tinh thần, tâm lý lại còn lớn hơn nhiều. 

(Còn nữa) 

Trích Chương 9 hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập