Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 9)
Sau hai ngày mở màn cuộc tổng công kích, tối 28-4, Bộ Tổng tham mưu tổng hợp và báo cáo tình hình chiến trường trọng điểm:
Bộ đội ta trên các hướng về cơ bản đã thực hiện được kế hoạch tiến công, bao vây cô lập Sài Gòn, chia cắt tuyến ngoài thành phố. Ta đã cắt đường số 15 (Sài Gòn - Vũng Tàu) và đường số 4 (Sài Gòn - đồng bằng sông Cửu Long), chiếm được một số mục tiêu quan trọng, như: Trảng Bom, Long Thành, Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, làm chủ căn cứ Nước Trong. Các sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị tê liệt. Lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ven Sài Gòn phối hợp với bộ đội chủ lực, tiến công và nổi dậy, giải phóng các căn cứ của địch ở chung quanh thành phố. Ở hướng đồng bằng sông Cửu Long, bộ đôi Quân khu 8 và Quân khu 9 áp sát các thị xã Cần Thơ, Mỹ Tho, khống chế sân bay Bình Thủy…
Hệ thống chỉ huy của quân ngụy, từ Bộ Tổng tham mưu đến các quân đoàn đều rối loạn. Trần Văn Hương phải từ chức để Dương Văn Minh lên thay. Nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong ngụy quyền, ngụy quân đã chuồn ra nước ngoài. Dương Văn Minh là con bài cuối cùng Mỹ - ngụy đưa ra dàn xếp với ta để hòng đạt tới “ngừng bắn”.
Như vậy là qua hai ngày chiến đấu, tình hình diễn biến tốt. Ngày hôm sau, 29- 4, bộ đội ta trên năm hướng có thể nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn, theo đúng kế hoạch đã đề ra.
22 giờ đêm hôm ấy, tôi điện gửi các anh Lê Đức Thọ và Phạm Hùng: “... Chiến dịch đã bắt đầu thắng lợi giòn giã. Chúng tôi tất cả đều phấn khởi, gửi lời chúc các anh khoẻ và toàn thắng. Nhắc các cơ quan tham mưu, chính trị: đi đôi với mệnh lệnh tác chiến, cần có chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ, phạm vi quản lý thành phố của từng đơn vị, xúc tiến kế hoạch phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Có dự kiến điều chỉnh lực lượng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng nhất là những việc cần làm trước mùa mưa...”.
22 giờ 30 phút, tôi lại điện tiếp, gửi anh Tuấn, anh Tư Nguyễn, đồng điện anh Sáu, anh Bảy: “... Chuyển lời Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh gửi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên. Các đồng chí hãy anh dũng tiến lên giành thắng lợi cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại”.
Đêm 28-4-1975, một đêm thức trắng của cơ quan Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị không ai ngủ được. Những người nắm được kế hoạch cụ thể của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường, đón giờ “G” của trận Tổng công kích vào Sài Gòn như đón phút giao thừa của lịch sử. Sáng sớm hôm sau, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp tại Sở Chỉ huy. Một tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định trải rộng trên bàn. Các đồng chí lãnh đạo ngồi và đứng xung quanh, theo dõi tình hình chiến sự đang diễn biến.
Cơ quan tham mưu chiến lược phát huy hết mọi năng lực của bộ máy chỉ huy, theo dõi sự phát triển của cuộc Tổng công kích và nổi dậy từng phút, từng giờ. Anh Lê Hữu Đức kịp thời báo cáo những tin mới nhận được từ các nguồn khác nhau, không chậm hơn thực tiễn đang diễn ra ở chiến trường là mấy.
Các mũi tên đỏ được tô đậm thêm, kéo dài thêm, tiến về hướng nội đô. Những nét gạch chéo lần lượt đánh dấu các mục tiêu đã bị đánh chiếm. Hầu như mỗi giờ, mỗi khắc đều có tin mới đưa về. Nhiều chức sắc ngụy quân, ngụy quyền bỏ chạy ra nước ngoài, gồm nghị sĩ, cựu thủ tướng, tổng tham mưu trưởng. Sài Gòn hỗn loạn. Quân địch như rắn mất đầu. Các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ tháo chạy bằng máy bay lên thẳng từ sân thượng một số nhà cao tầng trong cuộc hành quân Cơn lốc. Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, cử đại diện đến trại Đavít ở Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn ta trong Ban liên hiệp đình chiến để “thương lượng”!
(Còn nữa)
Trích Chương 9 hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.