Nâng cao hiệu quả sử dụng nhà văn hóa cộng đồng: Cần giải pháp tổng thể, đồng bộ

04:04 CH 10/12/2024

(HPĐT)- Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, phần lớn thôn đều có nhà văn hóa tổ chức các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, để hoạt động của các nhà văn hóa thôn đi vào chiều sâu, giữ được những giá trị riêng, đặc sắc của mỗi làng quê, cần đổi mới hoạt động.

 

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khảo sát tại nhà văn hóa thôn Xuân Hòa, xã Bạch Đằng (huyện Tiên Lãng).
 

“Sáng đèn” các hoạt động văn nghệ, thể thao 

Theo Nghị quyết số 26, ngày 20-7-2022 của HĐND thành phố về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập 256 thôn thành 135 thôn; 980 tổ dân phố thành 412 tổ dân phố; đổi tên 14 thôn và 22 tổ dân phố. Sau khi sáp nhập, toàn thành phố có 1.046 thôn và 715 tổ dân phố. Phần lớn thôn đều có nhà văn hóa, có thôn sau khi sáp nhập có nhiều hơn 1 nhà văn hóa thôn do được xây dựng trước khi sáp nhập. 

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Lãng Nguyễn Thị Bích Huyền, hệ thống các nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện được khai thác, sử dụng khá hiệu quả do có không gian rộng, là nơi để nhân dân tổ chức nhiều hoạt động tập thể như: hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Khoảng 3 năm gần đây, nhiều nhà văn hóa thôn “sáng đèn” mỗi tối do nhiều đoàn thể tổ chức các hoạt động như: thể thao dân vũ, yoga, sinh hoạt thanh, thiếu niên… Còn bà Trần Thị Gái, ở thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, nhà văn hóa thôn được xây dựng cạnh đình làng, khu quần thể đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào dịp Tết, nơi đây diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mừng thọ người cao tuổi… Ngoài ra, khuôn viên nhà văn hóa rộng rãi nên nhiều người dân đến tập thể dục, các cháu nhỏ cũng có chỗ vui chơi.... 

Về cơ bản, nhà văn hóa các thôn khu vực ngoại thành phát huy tác dụng, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phần lớn người dân trong thôn. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể, nhân dân; là nơi triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí…

Bổ sung trang bị, đổi mới hoạt động 

Tuy tổ chức được nhiều hoạt động bề nổi, nhưng hoạt động tại các nhà văn hóa thôn còn những hạn chế như: diện tích một số nhà văn hóa nhỏ hẹp, mới chỉ được trang bị và đầu tư “phần cứng” như: nhà, sân, bàn ghế với nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp. Những trang thiết bị như loa, đài... còn thiếu vì không có kinh phí. Nhà văn hóa thôn Hà Phương 3, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) mới được đầu tư xây dựng, lắp đặt một số bộ dụng cụ tập luyện thể dụng thể thao ngoài trời, tủ sách pháp luật, nhưng theo ông Bùi Tiến Man, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Hà Phương 3, tủ sách chủ yếu là sách pháp luật do Sở Tư pháp tặng, dày nên người dân “ngại” đọc. Ông Man mong có nhiều sách báo, với nội dung đa dạng, phong phú để có thể thu hút người dân đến đọc. Do kinh phí của thôn hạn hẹp, việc vận động xã hội hóa xây dựng tủ sách cũng chưa được thực sự chú ý... 

Để phát huy hiệu quả của các nhà văn hóa thôn đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của các xã, thôn nhằm đa dạng các hoạt động. Có như vậy, nhà văn hoá thôn mới thực sự trở thành nơi không thể thiếu của mỗi người dân sinh sống trên địa bàn. Tại cuộc giám sát về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện, đồng chí Đào Trọng Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố lưu ý các địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cần chú trọng giữ nét đặc sắc của làng quê Việt, trong đó phát huy giá trị của các nhà văn hóa thôn - điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập
{{item.hostname}} {{item.createdOnDate |date: "dd/MM/yyyy" }}
{{item.commentStr}}
Bạn cần đăng nhập để trả lời
{{itemChild.hostname}} {{itemChild.createdOnDate |date: "dd/MM/yyyy" }}
{{itemChild.commentStr}}