Ngăn chặn trẻ vị thành niên phạm tội: Giáo dục gia đình là then chốt

Chiến sĩ Công an xã Văn Phong (huyện Cát Hải) tuyên truyền pháp luật đến học sinh Trường THCS Văn Phong.
(HPĐT)- Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, trong đó xuất hiện những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Để hạn chế tội phạm chưa thành niên, vai trò của mỗi gia đình hết sức quan trọng nhằm tạo ra "vaccine miễn dịch" cho các em bằng tình yêu thương, trách nhiệm và phương pháp giáo dục đúng cách.
Nhiều người trẻ vi phạm pháp luật
Sau hai phiên xét xử, sáng 21-5, Hội đồng xét xử TAND thành phố tuyên án đối với 20 bị cáo trong vụ án truy sát nhầm khiến 2 anh em ruột đang học lớp 10 và 11 tử vong ở xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên). 11 bị cáo bị xét xử về tội giết người, trong đó, bị cáo nhỏ tuổi nhất sinh năm 2008 (khi phạm tội mới 15 tuổi); 9 bị cáo còn lại bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng. Chứng kiến những người dưới 18 tuổi đứng trước bục khai báo tại phiên tòa, không ít người vừa giận, vừa thương.
Mới đây nhất, vào tháng 4-2024, dư luận không khỏi sửng sốt khi biết thiếu niên 15 tuổi, ở thôn Lê Sáng, xã An Hồng (huyện An Dương) chỉ vì mâu thuẫn mà nhẫn tâm giết chết bạn gái rồi đem xác chôn ở góc vườn nhà bà ngoại. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở thôn Thuần Tỵ, xã An Hồng (huyện An Dương) cho biết: Tôi không lý giải được làm thế nào mà đứa trẻ mới 15 tuổi thực hiện hành vi giết người, đem xác chôn ở vườn chuối để phi tang, rồi lại thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra.
Những vụ việc đau lòng trên là điển hình của tội phạm lứa tuổi chưa thành niên. Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật khác như: đua xe, đánh võng, mang hung khí đi đánh nhau mà thủ phạm là học sinh được lực lượng công an kịp thời ngăn chặn. Theo thống kê, riêng trong năm 2023, Công an thành phố phát hiện 104 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó khởi tố hình sự 95 vụ, bắt 379 đối tượng. Liên quan tới người chưa thành niên vi phạm pháp luật, từ tháng 10-2023 đến tháng 5-2024, TAND thành phố thụ lý xét xử 147 vụ án hình sự với 552 bị cáo. Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND thành phố) xét xử 22 vụ án với 260 bị cáo. Báo cáo tại kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố khóa 16, Chánh án TAND thành phố Phạm Đức Tuyên thông tin, cùng với số lượng án hình sự TAND hai cấp thành phố thụ lý tăng gần 170 vụ, với hơn 400 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023, tình hình tội phạm giết người, gây rối trật tự công cộng ở nhóm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Tuyến, Chánh tòa Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND thành phố), động cơ, mục đích phạm tội của nhiều vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nảy sinh trong đời sống, với tâm lý muốn khẳng định vị thế bản thân. Khi xét xử các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, HĐXX thực hiện phân hóa vai trò phạm tội không chỉ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, mà còn làm rõ đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh gia đình, ý thức chấp hành pháp luật nơi cư trú cũng như nguyên nhân, điều kiện dẫn tới hành vi phạm tội, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra những phán quyết hợp lý, hợp tình.
Chủ động ngăn ngừa
Trước tình trạng người vị thành niên vi phạm pháp luật gia tăng, ngày 29-5, Viện KSND huyện Kiến Thụy ban hành kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Qua quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự diễn ra trên địa bàn, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trẻ vị thành viên phạm tội ngày càng nhiều do sự lơ là trong quản lý, giáo dục con cái từ chính các gia đình. Không ít bậc cha mẹ vì mưu sinh mà bỏ mặc con với chiếc điện thoại thông minh, máy tính cá nhân có kết nối internet. Không bị kiểm soát, trẻ vô tư truy cập thông tin từ các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Telegram, Instagram, TikTok với nhiều thông tin, video vô bổ, độc hại. Theo kết luận kiểm tra toàn diện TikTok Việt Nam của Bộ Thông tin – Truyền thông vào cuối năm 2023, trong số các thông tin lưu trữ trên máy chủ của TikTtok có nhiều thông tin kích động bạo lực, gây hại cho trẻ em; thậm chí dạy cách chế tạo đao, kiếm… sử dụng vào giải quyết mâu thuẫn cá nhân.
Theo Chánh văn phòng Hội Luật gia thành phố Vũ Việt Cường, từ cuối năm 2023, UBND thành phố xây dựng và triển khai Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với nhiều hoạt động thiết thực. Các nhà trường, các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật tới học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện giáo dục đồng bộ từ gia đình, nhà trường, đến chủ động phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an, mới có thể giảm được tình trạng tội phạm đang còn ở lứa tuổi học trò.