Xử phạt mạnh việc lấn chiếm hành lang đường sắt
(HPĐT)- Mặc dù hệ thống rào chắn tự động tại nhiều lối đi tự mở cắt ngang đường sắt được hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 20-3 vừa qua, nhưng theo phản ánh của bạn đọc tới chuyên mục “Qua đường dây nóng” Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt vẫn diễn ra khá phức tạp, gây mất an toàn giao thông.
Tàu đường sắt bị ảnh hưởng do lấn chiếm
Tuyến đường sắt đi qua Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 32 km, mỗi ngày đón trung bình từ 15 đến 20 chuyến tàu (cả chở khách và chở hàng). Tuy nhiên, hành lang an toàn giao thông, khu vực vốn được quy định để bảo đảm thông suốt cho các chuyến tàu hằng ngày vẫn đang bị lấn chiếm. Theo phản ánh của bạn đọc, phổ biến nhất là tình trạng ô tô dừng đỗ dọc theo hành lang an toàn đường sắt đoạn qua địa bàn các quận Lê Chân và Ngô Quyền. Như sáng ngày 25-3 vừa qua, ô tô tải mang BKS 15C-126.90 đỗ ngay sát đường ray đường sắt tại đoạn qua địa bàn quận Lê Chân. Mặc dù đã có đèn cảnh báo và lan can chắn tàu hạ xuống nhưng lái xe không cho xe rời đi. May mắn không xảy ra va chạm nhưng khiến đoàn tàu Hà Nội - Hải Phòng buộc phải dừng lại gần 30 phút.
Bên cạnh đó, các hoạt động lấn chiếm khác, như dựng lều quán, tập kết vật liệu xây dựng ngay trong hành lang đường sắt vẫn tiếp diễn. Tình trạng này xảy ra nhiều tại các điểm giao cắt như đoạn qua tỉnh lộ 351 và các điểm lối đi tự mở qua địa bàn các quận Hồng Bàng và An Dương. Chị Lê Hồng Trang, ở phố Tôn Đức Thắng, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng) cho biết: Gia đình chị sinh sống nhiều năm ngay gần khu vực đường tàu cắt ngang với đường bộ, nên hầu như ngày nào cũng thấy cảnh người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để bán hàng. Có người còn đặt hàng lên luôn cả đường ray tàu, khi có còi tàu vang lên mới dọn hàng; đôi khi bánh xe bị kẹt luôn vào ray tàu, nhấc vội lên rồi vất cả xe lẫn hàng ra ngoài để tránh va chạm. Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm, từ ngày 20-3 vừa qua, thành phố hoàn thiện và đưa vào hoạt động toàn bộ 8 điểm rào chắn tự động tại các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt Hà Nội- Hải Phòng. Hiện tại tất cả các rào chắn này được bàn giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) để hòa chung dữ liệu với các chuyến tàu qua địa bàn thành phố. Việc này sẽ giúp các rào chắn hoạt động ăn khớp với giờ tàu chạy, hạn chế va chạm đáng tiếc.
Tăng mức xử phạt phù hợp
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn có không ít trường hợp cố tình len lỏi băng qua đường sắt, mặc dù có cảnh báo tàu đang tới gần. Trong khi đó, các điểm có lối đi tự mở giao cắt với đường sắt đều là điểm có lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, dễ phát sinh tai nạn. Trung tá Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cho biết: Trước hết, sau một thời gian rào chắn tự động hoạt động, đơn vị sẽ tổ chức đánh giá lại chất lượng trong việc điều tiết giao thông, từ đó tiếp tục có báo cáo với cấp trên kiến nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam bố trí nhân lực tăng cường kiểm soát hoạt động của hệ thống rào chắn này. Riêng đối với điểm giao cắt tại km 87+400 (quận An Dương), hiện nay, đơn vị vẫn đề nghị UBND quận An Dương bố trí người trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ điều tiết, cảnh giới khi có tàu di chuyển qua.
Mặc dù vậy, các thành viên của nhiều diễn đàn về giao thông của thành phố trên nền tảng Facebook cho rằng: Chỉ riêng việc lắp rào chắn là chưa đủ. Bởi thực tế, việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xuất hiện từ lâu và đến nay đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Như anh Hoàng Văn Đ. trú tại Đông Trung Hành (quận Hải An) lái xe ô tô BKS 15C-126.90 dừng đỗ gây cản trở giao thông đường sắt ngày 25-3 vừa qua. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 49 Nghị định số 100/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/NĐ-CP/2021 của Chính phủ, người vi phạm cũng chỉ bị phạt với mức từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Luật sư Đào Văn Bảy, Công ty TNHH Luật Aladin cho rằng, trong khi có quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông đường bộ liên tục được điều chỉnh tăng nặng thì các quy định đối với giao thông đường sắt lại hầu như giữ nguyên trong thời gian qua. Chính điều này dẫn tới tình trạng một số người dân có xu hướng “nhờn luật”. Do đó, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng trên, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét nâng mức phạt đối với lỗi vi phạm lấn chiếm hành lang đường sắt nói riêng, hành vi gây mất an toàn giao thông đường sắt nói chung.