Bảo đảm gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống

05:20 CH 26/09/2017

16 ý kiến, tham luận tại toạ đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức đều nhất trí ủng hộ tiếp tục tổ chức lễ hội độc đáo của cư dân miền biển. Tuy nhiên các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng đặt ra đối với chính quyền và ban tổ chức vấn đề chấn chỉnh, đổi mới công tác tổ chức cũng như xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch.

Đồng thuận của học giả và người dân

Là nhà nghiên cứu đầu tiên đưa ra quan điểm tại toạ đàm, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kể, ông nhận được nhiều thư sau khi xảy ra sự cố, trong đó có bức thư với dòng chữ nguệch ngoạc của bà bán rau ở chợ nội thành Hải Phòng: “Lễ hội chọi trâu là của người dân chúng tôi, các ông ơi xin đừng cấm!”. GS.TS Tô Ngọc Thanh cho biết, trước khi diễn ra toạ đàm (ngày 7-9 tại Hà Nội), ngày 6-9, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam họp Ban thư ký thống nhất quan điểm ủng hộ tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn không chỉ năm nay, năm sau, mà còn từ đời này qua đời khác. Về quan điểm cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ tiếp tục tổ chức lễ hội truyền thống hướng về cội nguồn và gắn kết cộng đồng độc đáo.

Tâm sự của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh thực sự lay động những người có mặt tại toạ đàm. PGS.TS Trần Lâm Biền, được biết tới là một trong những nhà nghiên cứu phản đối “dữ dội” nhất sau khi xảy ra sự cố, cho rằng, nếu nhìn theo hoàn cảnh lịch sử với những huyền thoại gắn liền với cư dân miền biển, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn rất có giá trị văn hoá và tâm linh. Vì thế, việc Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là điều hoàn toàn chính xác và không phải bàn cãi. Nếu bỏ hay cấm, sẽ gặp phải sự phản đối của người dân và rất có thể họ tổ chức “chui”. Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Lâm Biền, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, khẳng định, đây là lễ hội do người dân Đồ Sơn sáng tạo, gìn giữ. Vì thế, việc bỏ hay giữ cần phải “trưng cầu dân ý” người dân khu vực này chứ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều không thể tự ý quyết định.

Ủng hộ tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn cũng là quan điểm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín như GS.TS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia; GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, Viện hàn lâm KHXH; GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam…

Lễ hội chọi trâu tiếp tục được tổ chức như thế nào?

Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là người dân Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung. Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết, ngày 1-9, Thường trực Thành uỷ có văn bản đồng ý chủ trương tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn theo báo cáo đề xuất của UBND thành phố; giao UBND quận Đồ Sơn đầu tư bổ sung thêm hàng rào khu vực tổ chức thi đấu chọi trâu theo hướng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người điều khiển trâu, nhân dân và du khách; bổ sung, hoàn thiện quy chế tổ chức lễ hội bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của di sản văn hoá phi vật thể; chú trọng nghi lễ truyền thống…

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn tiếp tục được tổ chức.

Ảnh: Trung Kiên

Phát biểu trước đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá hàng đầu đất nước, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh thẳng thắn thừa nhận, công tác tổ chức còn hạn chế, quy chế chưa thật chặt chẽ, công tác tuyên truyền về phần lễ còn mờ nhạt, việc bảo đảm an ninh, phòng chống tiêu cực… còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, UBND quận Đồ Sơn và ban tổ chức lễ hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy chế trên cơ sở lấy ý kiến của nhân dân; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, du khách và chủ trâu; hạn chế tiêu cực và tệ nạn xã hội…

Không ít ý kiến đưa ra tại hội thảo cho rằng, quận Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng nên từng bước xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch nằm trong chuỗi hoạt động du lịch. Nếu là sản phẩm du lịch, hoàn toàn có thể bán vé không vấp phải sự phản đối như hiện nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với chia sẻ của Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh. Thực tế cho thấy, lễ hội là “thương hiệu” thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài thành phố, du khách quốc tế. Trên cơ sở này, chính quyền quận có hướng xây dựng chuỗi điểm đến và hoạt động du lịch văn hoá, du lịch tâm linh mà Lễ hội chọi trâu truyền thống là điểm nhấn.

Với quan điểm nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra giải pháp, Phó chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc, cho rằng, lễ hội diễn ra trong cơ chế thị trường nên khó tránh khỏi những yếu tố thương mại hoá, thậm chí trục lợi, lừa dối (bán giả thịt không phải trâu chọi)... Vì thế, chính quyền quận Đồ Sơn cũng như các ban ngành chức năng của thành phố Hải Phòng cần vào cuộc quyết liệt, có những phương án trước mắt và lâu dài gìn giữ và trả lại sự trong sáng cho lễ hội.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ đề nghị quận Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng sớm xây dựng đề án chấn chỉnh, đổi mới công tác tổ chức lễ hội. Trước mắt, điều chỉnh quy mô theo hướng thu gọn, giảm số trâu tham gia, bỏ tổ chức vòng loại mà chỉ có vòng duy nhất vào ngày 9-8 âm lịch hằng năm. Bên cạnh đó, cần khoanh vùng bán thịt trâu chọi, tránh trà trộn thịt không phải trâu chọi, kiểm soát giá phù hợp thực tế (niêm yết mức giá, có bảng hướng dẫn khu vực bán thịt trâu…). Riêng công tác bảo đảm an toàn, nghiên cứu các biện pháp tăng cường hàng rào, chuẩn bị phương tiện chuyên dụng xử lý tình huống bất trắc (súng gây mê, lưới, dây…)

Thái Phan