Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Công trình thủy lợi cần được cắm mốc chỉ giới bảo vệ.
Trong ảnh: Kênh dẫn nước trạm bơm Thượng Đồng (huyện Vĩnh Bảo).
(HPĐT)- Theo Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đến thời điểm này, chưa có công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi nào triển khai trên thực địa cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Thông tư 05 ngày 15-8-2018 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Trong khi đó, theo lộ trình đề ra, đến năm 2021 tất cả các địa phương phải hoàn thành việc cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Xây dựng phương án cắm mốc gặp nhiều khó khăn
Theo Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, đến thời điểm này, công tác cắm chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa thể triển khai ngoài thực địa bởi các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đang trong quá trình xây dựng phương án. Theo ông Đoàn Văn Ban, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hải Phòng cho biết, theo quy định mới của Luật Thủy lợi, việc cắm mốc bảo vệ mới phải được thực hiện đồng bộ, chi tiết cụ thể ở từng vị trí, tọa độ, trong khi để xác định các mốc chỉ giới chính xác, phù hợp với quy hoạch thực tiễn đòi hỏi mất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nơi có mốc giới.
Ông Trần Quang Hoạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải phản ánh, công ty đang triển khai lập phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên các tuyến kênh, cống, đập. Tuy nhiên, việc lập phương án mất nhiều thời gian. Để xác định được các mốc chỉ giới chính xác công ty phải phối hợp cán bộ địa chính các xã, thị trấn xác định nguồn gốc đất, thuê tư vấn về lập, xác định tọa độ. Tuy nhiên không phải lúc nào cán bộ địa chính xã cũng có thời gian phối hợp trong việc xác định này. Không những thế, hiện nay, nhiều khu vực kênh mương, hệ thống bờ kênh, hành lang kênh thay đổi nhiều dẫn đến khó khăn cho việc xác định cắm mốc.
Đây cũng là khó khăn chung của 4 công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ Đỗ Văn Trãi cho biết, là đơn vị quản lý hệ thống kênh, công trình thủy lợi lớn nhất thành phố, công ty gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất dọc các tuyến kênh mương, công trình cầu, cống đập. Theo khảo sát sơ bộ ban đầu công ty cần cắm gần 1.000 mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Hệ thống kênh mương trải dài đi qua 5 quận, huyện, khối lượng công việc lớn nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, tại một số khu vực hành lang bảo vệ kênh mương, chính quyền địa phương lại cấp sổ đỏ chồng lấn bờ kênh, lòng sông gây khó khăn cho việc xác định vị trí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngoài khó khăn về thời gian xác định mốc chỉ giới, xác định vị trí, tọa độ, hiện nay các công ty thủy lợi cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng công ty gặp nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức lập, xây dựng phương án và cắm mốc tại thực địa.
Tập trung thực hiện các giải pháp
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hải Phòng cho rằng, để việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sớm được triển khai ngoài thực địa, bảo đảm tiến độ đề ra của Bộ NN-PTNT, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện các giải pháp. Trước mắt, chi cục tập trung đôn đốc các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi được giao nhiệm vụ sớm hoàn thiện phương án cắm mốc gửi Sở NN-PTNT thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt. UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vào cuộc phối hợp với các công ty thủy lợi và tư vấn thực hiện nhanh việc xác định nguồn gốc đất, vị trí tọa độ mốc cần cắm. Với việc khó khăn về mặt bằng, đường đi lối vào, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân đồng thuận ủng hộ triển khai việc cắm mốc.
Về phía các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ thường xuyên với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, lập phương án các vị trí cắm chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời tập trung giải tỏa các khu vực vi phạm hành lang bảo vệ kênh mương, công trình thủy lợi để có mặt bằng cắm mốc. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ triển khai khảo sát, lập phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện xây dựng phương án cắm mốc cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện về vật tư tổ chức đúc, cắm mốc đúng quy cách, tiêu chuẩn quy định của Bộ NN-PTNT. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình, công bố công khai phương án cắm mốc chỉ giới, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.
Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới gồm: Đập của hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10 m trở lên; lòng hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên; kênh có lưu lượng từ 5 m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m trở lên, trừ kênh chìm; cống có tổng chiều rộng thoát nước từ 10 m trở lên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ 5 m trở lên đối với các vùng còn lại.