Chính sách tài chính nổi bật trong tháng 4-2025

04:40 CH 04/04/2025

(HPĐT)- Quy định phí bảo lãnh ngân hàng; thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đến năm 2030… là nội dung một số chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 4-2025, được dư luận quan tâm.

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Lạch Tray. Ảnh: TRUNG KIÊN

 

Quy định phí bảo lãnh ngân hàng 

Ngày 31-12-2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1-4- 2025. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh. Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh. 

Như vậy so với quy định trước, điểm mới tại Thông tư này là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh. Thông tư quy định cam kết bảo lãnh có hiệu lực từ thời điểm phát hành hoặc sau thời điểm phát hành cam kết, tùy theo thỏa thuận của các bên, cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh kết thúc. Cụ thể, thư bảo lãnh có hiệu lực từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất 30 ngày sau thời hạn chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với bên mua khi không bàn giao nhà theo cam kết hợp đồng, trừ khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo Điều 23 của Thông tư. Nếu các bên quyết định chấm dứt thỏa thuận cấp bảo lãnh trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt. Thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu phải bằng thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh. Trường hợp ngày hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, thì ngày hết hiệu lực sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh hoặc thỏa thuận cấp bảo lãnh sẽ được các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật.

Việc phân bổ vốn đầu tư công 

Ngày 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026- 2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4. Theo đó, việc phân bổ vốn phải bảo đảm tập trung, hiệu quả, không dàn trải, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội quốc gia. Nguyên tắc phân bổ gồm: Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách, giảm các thủ tục hành chính; ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng giao thông, kết nối vùng, chuyển đổi số, năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bố. 

Thứ tự phân bố vốn được xác định như sau: Dự án đầu tư công khẩn cấp; chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; hoàn trả vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng; dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế; dự án PPP theo quy định về đầu tư đối tác công tư. Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026- 2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bố vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững 

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTC, hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20- 4. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ tài trợ cho các hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững. Các khoản chi bao gồm xây dựng tài liệu chuyên môn, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn. Đối tượng thụ hưởng chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xác định đúng đối tượng và nội dung hỗ trợ theo quy định hiện hành. Việc xác định chi phí, phân bổ kinh phí và cơ chế hỗ trợ được thực hiện theo Thông tư số 52/2023/TTBTC. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng hoạt động áp dụng theo định mức cao nhất được quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. 


 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập