Hội Luật gia Việt Nam: 70 năm xây dựng và phát triển

06:34 CH 04/04/2025

(HPĐT)- Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ngày 4-4-1955, trong bối cảnh đất nước ta vừa giành được độc lập, đang bước vào giai đoạn xây dựng chính quyền cách mạng và đấu tranh thống nhất đất nước. Ra đời theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam mang sứ mệnh quan trọng: Tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật gia để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển hệ thống pháp luật và bảo đảm công lý cho nhân dân. 

 

 

Hội Luật gia Việt Nam triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1-7-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.

Ngay từ khi thành lập, Hội quy tụ các luật gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các chuyên gia pháp luật trong bộ máy nhà nước, giảng viên luật, luật sư đến các cán bộ tư pháp. Điều này tạo nên một tổ chức vững mạnh, có năng lực đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp Việt Nam. 

Nhiều đóng góp trong lập pháp, hành pháp và tư pháp

Trong suốt 70 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam khẳng định vai trò trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong lĩnh vực tham gia xây dựng pháp luật, Hội tích cực đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Nhà nước. Hàng loạt chính sách lớn về dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế và thương mại đều có sự tham gia đóng góp của Hội, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong lĩnh vực tham gia giám sát thực thi pháp luật, Hội Luật gia có nhiều hoạt động nhằm kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, kịp thời đề xuất những điều chỉnh phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, với mạng lưới luật gia trải rộng khắp cả nước, Hội hỗ trợ hàng triệu người dân tiếp cận công lý thông qua tư vấn pháp lý, phổ biến pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các đối tượng yếu thế như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ. 

Bên cạnh những đóng góp trong nước, Hội Luật gia Việt Nam còn có vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Hội tham gia tích cực vào các tổ chức luật gia quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và đóng góp vào quá trình hội nhập pháp lý toàn cầu.  Đặc biệt, Hội tham gia vào các diễn đàn, hội nghị luật gia quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức luật gia các nước, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật. Hội cũng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các diễn đàn pháp lý quốc tế, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông. 

 

Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khóa 14, nhiệm kỳ 2024-2029.

 

Phát huy truyền thống, hướng tới tương lai

Trải qua 70 năm phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn mới, trước những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Hội tiếp tục đặt ra những mục tiêu quan trọng:  Đó là, tăng cường nghiên cứu khoa học pháp lý để hỗ trợ việc xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giúp pháp luật đi vào đời sống hiệu quả hơn.  Phát triển hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần đưa hệ thống pháp luật Việt Nam hòa nhập với chuẩn mực quốc tế, nâng cao vị thế của luật gia Việt Nam trên trường quốc tế. 

70 năm xây dựng và phát triển là chặng đường ghi dấu nhiều thành tựu của Hội Luật gia Việt Nam. Với vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, Hội  có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp lập pháp, tư pháp, bảo vệ công lý và quyền con người. Trong giai đoạn mới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập