“Tiếp sức” cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

12:15 CH 06/01/2025

(HPĐT)- Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cùng với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện. Nghị quyết số 57 ra đời là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong lĩnh vực quyết định đến thành công của sự nghiệp phát triển đất nước. 

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do người lãnh đạo cao nhất của Đảng trực tiếp đứng đầu cho thấy đây là nhiệm vụ đặc biệt, khâu đột phá có vai trò trọng yếu không kém các nhiệm vụ quan trọng khác đang được cả nước tập trung thực hiện, như đổi mới, hoàn thiện thể chế phát triển; sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... 

Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, là chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nền tảng tri thức và khoa học công nghệ, tạo những điều kiện và cơ sở vững chắc để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thành công, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn không chỉ đối với Việt Nam, mà có tác động và ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Tăng cường nội lực, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tri thức nhân loại, không chỉ làm chủ mà còn sáng tạo giá trị mới, là mục tiêu hướng tới. 

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị định hướng rõ mục tiêu xây dựng Hải Phòng thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Thành phố là trung tâm kinh tế lớn, động lực phát triển của cả nước, với công nghiệp công nghệ cao là một trụ cột cùng nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo trên địa bàn. Vì thế, Hải Phòng tất nhiên đảm đương nhiệm vụ, vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57. Thời gian qua, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội được thành phố chú trọng, tập trung cao. Chuyển đổi số luôn “có mặt” tại chủ đề năm của Hải Phòng. Nhờ vậy, thành phố đạt những kết quả bước đầu tích cực. 

Theo kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng vừa công bố, với 52,39 điểm, Hải Phòng giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, chỉ sau 2 trung tâm kinh tế - trung tâm nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một số chỉ số thành phần đạt điểm rất cao, được đánh giá là thế mạnh, như Giáo dục (83,7 điểm- dẫn đầu cả nước), Cải cách hành chính (91,87), Tỷ lệ doanh nghiệp ngành dịch vụ và chuyên môn khoa học-công nghệ... Tuy nhiên, phân tích cũng cho thấy, Hải Phòng còn hạn chế ở một số chỉ số khá quan trọng, như Nghiên cứu và phát triển (29,67 điểm), gồm nhân lực và chi từ ngân sách địa phương cho khoa học công nghệ. Thực tế, đây là những nguồn lực then chốt để phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. 

Thành phố đã có những kế hoạch, giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục điểm yếu, hạn chế, để giữ vững và nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số PII, trên hết là đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc nhanh chóng thực hiện hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57 sẽ góp phần tháo gỡ mạnh mẽ những bất cập, khơi thông các trụ cột “đầu vào” như thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển. Từ đó, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng “cất cánh”, trở thành một động lực chính để thành phố phát triển nhanh, bền vững.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập