Không để biến tướng dạy thêm, học thêm
(HPĐT)- UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 2253 về việc tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, hoạt động liên kết giáo dục trong các trường công lập trên địa bàn thành phố. Một trong những chỉ đạo nổi bật được nhấn mạnh trong công văn là tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm.
Thực ra, dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề mới và của riêng ngành Giáo dục thành phố. Năm nào cũng xuất hiện “lời ra tiếng vào” ì xèo của không ít cha mẹ học sinh trên các diễn đàn xã hội hoặc các hội nhóm về vấn đề này, gây dư luận không tốt. Do vậy, việc UBND thành phố ban hành công văn chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thể hiện quan điểm rõ ràng, cương quyết của thành phố nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này vào đúng khuôn khổ, quy định.
Triển khai chỉ đạo trên, Sở GD-ĐT ngoài phối hợp UBND các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của người học. Một trong những điểm đáng chú ý trong công tác quản lý năm học này là Sở sẽ tăng cường hơn nữa việc tổ chức các đoàn kiểm tra trực tiếp, đột xuất tại các cơ sở giáo dục. Đây được coi là một trong những động thái quyết liệt, thể hiện sự chủ động của cơ quan quản lý đối với cơ sở giáo dục trong việc nắm bắt thực tế, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý vi phạm nếu phát hiện, thay vì chạy theo xử lý các vụ việc sau khi được phương tiện thông tin đại chúng, dư luận phản ánh. Lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, nếu phát hiện cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật hoặc tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh sẽ xử lý nghiêm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra sai phạm, không để tạo thành “điểm nóng” trong dư luận, bức xúc trong học sinh và cha mẹ học sinh.
Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học. Hoạt động này nếu được tổ chức đúng quy định sẽ tạo ra hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu chính đáng của cả học sinh và giáo viên. Đối với học sinh, ngoài học chính khóa, học thêm giúp các em củng cố, nâng cao kiến thức, được ôn tập chuyên sâu để tích lũy tri thức cho các kỳ thi. Đối với giáo viên, dạy thêm góp phần tăng thu nhập chính đáng cho các thầy cô giáo bằng nghề nghiệp của mình. Nhu cầu học thêm, dạy thêm của xã hội là có thật và cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác quản lý của một số nhà trường còn hạn chế; tính thiết thực và hiệu quả chưa cao; có lúc, có nơi còn có biểu hiện “ép buộc” người học dưới hình thức viết đơn “tự nguyện” được học thêm, tạo ra dư luận không hay... Do vậy, để đưa hoạt động này vào đúng “quỹ đạo”, ngoài điều kiện cần “tăng cường quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định”, cần thêm điều kiện đủ của các cơ quan quản lý là tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng các chế tài quản lý, giám sát định kỳ và đột xuất; “mạnh tay”, quyết liệt xử lý nếu phát hiện sai phạm để làm gương, tránh nương nhẹ, xử lý lấy lệ, thì hoạt động dạy thêm, học thêm mới không bị lạm dụng, biến tướng.