Vận động tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn: Gỡ rào cản, tạo điều kiện cho người dân (Kỳ 2)
(HPĐT)- Tích tụ ruộng đất, tổ chức canh tác trên quy mô lớn góp phần thay đổi nếp nghĩ, thói quen cũ, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ, lẻ sang sản xuất lớn theo hướng hiện đại. Nhưng thực tế cho thấy, việc tích tụ ruộng đất sản xuất tại Hải Phòng còn diễn ra tự phát, nên quá trình này gặp không ít vướng mắc, rào cản.

Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Nguyễn Đức Thành ở thôn Minh Kha, xã Hồng Thái (An Dương) để làm nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng nhà lưới trồng dưa sạch và cà chua.
Kỳ 2: Khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía
Vướng thủ tục, khó yên tâm sản xuất ổn định
Anh Lã Hà Thắng, ở quận Lê Chân mua được 1,5 ha ruộng ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy) từ năm 2020 với dự định sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa canh tác được trên diện tích này, vì không thực hiện được thủ tục để hợp thức hóa đất mua. Anh Thắng cho biết, anh chi hơn 100 triệu đồng/sào để mua ruộng của nông dân; người bán ruộng có viết giấy tay; lúc mua bán có sự chứng kiến, xác nhận của trưởng thôn. Nhưng đến khi anh Thắng làm thủ tục, giấy tờ để sở hữu hợp pháp diện tích đất mua được thì quá phức tạp. Rất ít bà con hợp tác với anh Thắng để làm thủ tục chuyển nhượng. Đây cũng tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải khi mua đất của nông dân nhưng vẫn chưa có quyền sở hữu hợp pháp đất, do đó không yên tâm sản xuất, đất mua được sau vài năm vẫn để cỏ mọc.
Việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu diễn ra tự phát, do doanh nghiệp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự thực hiện; các hộ tích tụ phần lớn đều chưa “nắm trong tay” giấy tờ hợp pháp. Chủ yếu là giấy chuyển nhượng hoặc cho thuê ruộng giữa người tích tụ và các hộ dân, chưa được cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định. Vì không có giấy tờ sở hữu hợp pháp, các hộ tích tụ không yên tâm sản xuất ổn định, lâu dài, thậm chí có xu hướng thu hẹp dần đất tích tụ được. Như trường hợp Công ty CP nông nghiệp Kỳ Duyên, là đơn vị đi đầu ở Hải Phòng, tích tụ ruộng đất sớm nhất tại huyện Vĩnh Bảo, có thời điểm lên đến hơn 40 ha ở xã Hùng Tiến. Theo Giám đốc Công ty Phạm Thị Duyên, diện tích đất mua đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cấp phép. Đất thuê, mượn của nông dân bỏ ruộng hoang ở địa phương chủ yếu bằng giấy viết tay, thậm chí thỏa thuận miệng nên doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý để giữ đất sản xuất lâu dài khi nông dân muốn canh tác trở lại. Sau hơn 10 năm tích tụ đất, bên cạnh khó khăn về tổ chức sản xuất, do thủ tục vướng mắc nên đến nay doanh nghiệp trả lại đất cho một số nông dân, tổng diện tích hiện canh tác chỉ còn hơn 10 ha.
Thực tế, ở một số địa phương chính quyền chưa quan tâm hoặc có trách nhiệm làm trọng tài việc thuê, mượn đất của nông dân để bảo đảm các thủ tục pháp lý, khiến người tích tụ đất sản xuất gặp nhiều khó khăn. Anh Đỗ Văn Đoàn, ở phường Đằng Hải (quận Hải An) thuê 5 ha đất bỏ hoang của hơn 80 hộ ở xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy) để trồng bưởi da xanh chia sẻ: Khi về địa phương bắt tay thực hiện, anh cũng được chính quyền ủng hộ, cho phép, nhưng lúc triển khai sản xuất gặp khó khăn vì người cho thuê, mượn đất chỉ thời gian ngắn, hoặc có người đồng ý cho thuê 5 năm bằng viết giấy tay nhưng sau lại đòi đất sớm. Trong khi chính quyền địa phương không kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục với người dân. Bởi vậy, đến nay anh cũng nản, không tập trung đầu tư sản xuất; một số diện tích trồng bưởi hiện cỏ mọc um tùm…
Cơ chế, chính sách chưa thuận lợi
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Thuấn thông tin, nhu cầu tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở Hải Phòng khá lớn. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều “rào cản” từ chính cơ chế về quản lý đất đai. Trước đây, Luật Đất đai chưa có quy định thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp khi tách hộ. Nông dân có ruộng thường chỉ chấp thuận cho thuê, mượn ruộng trong thời gian nhất định, mà không đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng, bởi đất nông nghiệp vẫn là tài sản bảo đảm cuộc sống của họ. Giữ ruộng, người dân có cơ hội được hỗ trợ đền bù khi thu hồi đất; hoặc khi công việc khác không bảo đảm vẫn có ruộng để quay lại nghề nông. Nhiều hợp đồng chuyển nhượng đất chỉ được xác nhận bằng giấy viết tay giữa các bên, có sự làm chứng của người dân sống chung quanh nên cơ sở pháp lý không vững chắc. Cùng với đó, một số quy định về chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng “giới hạn” người nhận chuyển nhượng. Cụ thể, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp chỉ áp dụng với người sản xuất nông nghiệp trực tiếp, có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Luật Đất đai 2013 quy định, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 2% giá chuyển nhượng- giá trị khá cao so với lợi nhuận tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng Trần Minh Tiến, căn cứ quy định tại Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính việc không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ phải thu hồi. Luật Xây dựng không cho phép các tổ chức, cá nhân dựng nhà tạm chứa máy móc, công cụ sản xuất, nhà sơ chế nông sản… tại các điểm tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tích tụ ruộng đất để sản xuất rau trong nhà lưới, chăn nuôi ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), bà Đồng Thị Doanh phản ánh, bỏ vốn đầu tư cao thuê diện tích sản xuất lớn nhưng không được xây dựng nhà tạm để chứa vật tư nông nghiệp, nhà sơ chế sản phẩm, gây nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, không bảo đảm chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, ở một số nơi khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phát triển, việc đền bù đối với doanh nghiệp tích tụ ruộng đất không thống nhất về giá... Những thực tế này làm khó doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Khi tích tụ ruộng đất, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân mong muốn có cơ chế hỗ trợ của thành phố hoặc địa phương hay tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện nước… để giảm chi phí đầu tư. Thực tế tại Hải Phòng, phần lớn doanh nghiệp, HTX khi tích tụ ruộng đất phải “tự thân vận động” nên có trường hợp sau khi tìm hiểu cũng ngần ngại đầu tư. Công ty TNHH Xuân Trường là doanh nghiệp sớm có dự định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại 2 xã Hồng Thái và Quốc Tuấn (huyện An Dương) với diện tích 80 ha. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp họp bàn với người dân để thuê đất sản xuất lâu dài với mức thuê 72 triệu đồng/sào, người dân không đồng ý vì cho rằng mức giá này thấp. Doanh nghiệp mong các cấp, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc nhưng không được đáp ứng, nên sau khi cân nhắc, đến nay doanh nghiệp “rút lui” dự án…
Kỳ cuối: Phát huy vai trò công tác dân vận