Chị Nhỉ “đồng nát” giàu lòng nhân ái

06:26 CH 19/07/2024

 

Chị Lại Thị Nhỉ tích cực vận động người dân ủng hộ rác thải tái chế.

 

(HPĐT)- Tích cực, đi đầu phong trào thu gom và biến rác thải tái chế thành các phần quà ý nghĩa tặng hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chị Lại Thị Nhỉ, ở Chi hội Phụ nữ thôn 5, xã Tam Hưng (huyện Thủy Nguyên) đang góp phần lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng.

 

Mỗi ngày một việc tốt

Chiều tối hay trưa muộn, bất kể lúc nào, khi người dân trong thôn gọi, chị Lại Thị Nhỉ lại đi xe máy đến tận hộ dân để thu gom, vận chuyển rác thải tái chế. Hình ảnh chị Nhỉ cặm cụi chở các bao rác trên đường trở nên khá quen thuộc với người trong xóm, ngoài thôn. Nhiều khi chưa kịp bán rác thải tái chế, sân nhà chị Nhỉ như điểm tập kết rác. Nhiều người gọi vui là chị Nhỉ “đồng nát”. Nhưng chị Nhỉ không tự ái mà cảm thấy vui và ấm áp trong lòng, bởi mỗi lần thu gom được nhiều rác thải tái chế, chị cùng mọi người góp nhặt thêm các phần quà nhỏ tặng người nghèo, khó khăn của địa phương.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5 Lại Thị Nhỉ luôn đi đầu trong phong trào thực hiện mô hình “Rác thải nghĩa tình” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động và ra mắt từ tháng 4-2024. Lúc đầu triển khai mô hình, chị khá trăn trở với suy nghĩ liệu các chị em trong thôn có ủng hộ hay chỉ là phong trào mang tính hình thức? Bởi nếu vận động mỗi người dân từ 5 đến 10 nghìn ủng hộ người nghèo sẽ đơn giản hơn đi thu gom rác thải tái chế rồi bán lấy tiền trợ giúp người nghèo. Song, chị Nhỉ nghĩ hoạt động này vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường, vừa góp phần lan tỏa hành động đẹp, việc làm tử tế dù nhỏ trong cộng đồng. Do đó, chị Nhỉ chọn mở đầu cuộc phát động trong nhóm dân vũ mà chị tham gia rồi đến các chị em thôn 5.

Sau khi phát động, nhiều chị em hưởng ứng nhiệt tình. Có chị đang xây dựng công trình nhà ở liên tục gọi chị Nhỉ đến thu gom rác thải tái chế. Chị Nhỉ không ngại đi thu gom vì dù ít hay nhiều đều đáng quý từ đóng góp của người dân trong thôn. Có lúc ăn cơm tại nhà hàng hay đi du lịch, chị cũng tiện tay thu gom những vỏ lon bia, nước ngọt để mang về nhà, khiến con chị “đỏ mặt” về hành động của mẹ. Nhiều lúc đi trên đường thấy có chai nhựa, rác thải tái chế, chị lại dừng xe, tranh thủ cúi xuống nhặt. Dường như việc nhặt rác thải tái chế thành thói quen hằng ngày của chị. “Có lúc con trai tôi bảo mẹ vất vả “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng với tôi, “tích tiểu thành đại”, biến những rác thải sinh hoạt thành những phần quà thiết thực để giúp đỡ các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã là việc nên làm. Thấy việc làm ý nghĩa của mẹ, sau con tôi cũng hiểu và ủng hộ”, chị Nhỉ bộc bạch. Mỗi lần như vậy, chị Nhỉ ghi chép công khai, rõ ràng về số lượng, giá thành, quy ra tiền trên nhóm mạng xã hội như: zalo, facebook của chi hội để mọi người nắm rõ và thấy được phần hỗ trợ của mình.

 

Mang đậm giá trị nhân văn

Hành động tích cực, đi đầu của chị Nhỉ lan tỏa từ người lớn đến trẻ nhỏ trong thôn, góp phần nâng cao ý thức phân loại, quyên góp “Rác thải nghĩa tình”. Bình quân, mỗi tháng, Chi hội Phụ nữ thôn 5 thu được 600 đến 700 nghìn đồng từ bán rác thải tái chế. Số tiền này đều được chi hội quyên góp về Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Hưng lập thành quỹ dành tặng hộ nghèo. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Hưng Phạm Thị Thanh Minh cho biết, mô hình “Rác thải nghĩa tình” mang ý nghĩa nhân văn và được triển khai đồng loạt tại 6 thôn của xã. Nổi bật là Chi hội thôn 5 qua thực hiện phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện ở số tiền thu được từ rác thải tái chế cao nhất trong 5 chi hội.

Với đóng góp tích cực của Chi hội Phụ nữ thôn 5, điển hình là chị Lại Thị Nhỉ, trong khoảng 3 tháng triển khai mô hình “Rác thải nghĩa tình”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Hưng thu được hơn 6 triệu đồng từ tiền bán rác thải. Dù số tiền chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa lớn trong lan tỏa và nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng. Theo đó, quỹ duy trì thường xuyên để hỗ trợ hộ nghèo thay vì phải trích từ quỹ Hội như những năm trước. Ban đầu, với số tiền trên, Hội tặng quà 13 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi vừa qua. Đầu tháng 7 năm nay, Hội trao 2 triệu đồng tặng chị Lại Thị La, thuộc diện hộ nghèo ở thôn 1 khi chị La được thành phố, huyện, xã hỗ trợ xây mới nhà Đại đoàn kết. Sắp tới, bằng số tiền từ bán rác thải tái chế, Hội tiếp tục hỗ trợ 2 triệu đồng đối với ông Vũ Đình Huy, thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thủy Nguyên Phạm Thị Khuê cho biết, mô hình “Rác thải nghĩa tình” trên địa bàn huyện đang lan rộng đến 37 xã, thị trấn. Làm tốt phong trào này điển hình là xã Tam Hưng, trong đó gương sáng là Chi hội trưởng Chi hội thôn 5 Lại Thị Nhỉ. Tinh thần, hành động tích cực của chị Nhỉ cần được các chi hội khác nhân rộng, để phong trào lan tỏa sâu rộng, đi vào thực chất, mang đậm giá trị nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập