Để nhãn hiệu tập thể “khỏe mạnh, sống tốt”
(HPĐT)- Theo Sở Khoa học và Công nghệ, hiện thành phố có 79/83 sản phẩm đặc sản chủ lực, sản phẩm làng nghề được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận rơi vào tình trạng dù được bảo hộ nhưng không được các hộ sản xuất sử dụng. Chẳng hạn như: Nem chua An Thọ, vải Bát Trang (huyện An Lão); chả cá chày Đại Hợp, nem giã tay Đại Hà (huyện Kiến Thụy)… Một số nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý chỉ còn sản xuất theo mùa vụ, bị mai một dần, như nhãn hiệu tập thể “Hương Kiền Bái”, cau Cao Nhân, bưởi Lâm Động, rau Thủy Đường; bánh chưng Thủy Đường, thịt nướng Minh Tân, mâm ngũ quả Minh Tân, bún Trịnh Xá, cuốn Trịnh Xá, cốm rượu Đồng Giá... đều ở huyện Thủy Nguyên. Theo đánh giá của các địa phương và đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý chưa phát huy được vai trò, vị thế là do công tác quản lý, phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và các chủ thể sở hữu nhãn hiệu còn hạn chế. Hoạt động tuyên truyền chưa sâu, rộng nên người dân chưa nắm được quyền và lợi ích khi tham gia nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm tại địa phương. Một số nhãn hiệu không còn duy trì do nguyên nhân từ quy hoạch đất đai thay đổi, thiếu nhân lực, nguồn nguyên liệu không được bảo đảm.
Cùng với đó, do chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa các sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, chủ yếu là cơ quan nhà nước, các HTX, UBND các quận, xã, chưa có sự tách biệt giữa quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ở các địa phương vẫn thiếu sự khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là HTX, được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nên các đơn vị này không tổ chức hoạt động gì khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Dẫn đến nhãn hiệu tập thể bị “chết yểu”.
Từ thực tế trên, các địa phương, doanh nghiệp, HTX kiến nghị các cơ quan chức năng nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù; nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường. Các chuyên gia nông nghiệp, khoa học công nghệ cho rằng, về phía các đơn vị sản xuất nông nghiệp, HTX khi xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ, đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường. Như vậy, các nhãn hiệu, chỉ dẫn này mới “khỏe mạnh, sống tốt”, góp phần đắc lực phát triển kinh tế- xã hội địa phương, mang lại lợi ích thiết thực với người sản xuất.