Hướng tới mức lương đủ sống

03:58 CH 28/03/2025

(HPĐT)- Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đang tổ chức khảo sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp trên toàn quốc (đại diện doanh nghiệp ở các vùng, miền) và lấy ý kiến người lao động về tăng lương tối thiểu vùng năm 2025. Tại Hải Phòng, LĐLĐ thành phố cũng tổ chức hội nghị tổng hợp ý kiến của công nhân, lao động về áp dụng mức lương tối thiểu vùng hiện nay. Theo quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-7-2024, mức lương các vùng hiện đang thực hiện là: vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng. Hải Phòng thuộc vùng 1, áp dụng mức 4,96 triệu đồng/tháng. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây là mức sàn thấp nhất bảo vệ người lao động yếu thế, cũng là cơ sở để thương lượng tiền lương. Thực tế tại Hải Phòng, phần lớn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều thực hiện mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức quy định. Có những doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu gần 6 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, qua khảo sát từ người lao động, mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa bảo đảm mức lương đủ sống. Dù chi tiêu tiết kiệm, mức lương đủ sống cũng cần khoảng 6,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng 1 khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Hệ thống công đoàn sơ bộ đánh giá, mức thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng chỉ đủ chi phí thấp nhất cho bản thân người lao động với các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, sinh hoạt… Nếu xây dựng gia đình, mức thu nhập cần 8 triệu đồng; khi có con, con số này là 10 triệu đồng/tháng, khi chi phí nuôi dưỡng, học hành, chăm sóc cho trẻ em ngày càng tốn kém. Có đại biểu Quốc hội cho rằng, mức lương tối thiểu vùng còn thấp, thu nhập của công nhân, lao động chưa cao là lý do khiến nhiều gia đình công nhân trẻ sống chật vật ở các thành phố lớn, “không dám” sinh con. Như mức sinh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ thấp nhất cả nước, chưa bảo đảm mức sinh thay thế. Tại một số đô thị lớn khác, gia đình trẻ cũng “ngại” sinh con do thu nhập chưa bảo đảm đời sống cả gia đình. Qua lấy ý kiến của cán bộ công đoàn và công nhân, lao động cho thấy, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6- 8% trong năm 2025 là hợp lý. 

Việc tăng lương tối thiểu vùng có thể gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là khi hiện nay cả nước đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Có những địa phương sau sáp nhập, mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi theo xu hướng tăng lên, nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Dù vậy đây là việc cần thiết nhằm bảo đảm đời sống người lao động trên tinh thần hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Giải pháp kèm theo khi tăng lương tối thiểu vùng là phải tăng năng suất lao động, doanh nghiệp cần áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân. Đối với người lao động, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong công việc, nhất là có nhiều sáng kiến áp dụng để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao lao động. Hướng tới mức lương tối thiểu vùng bằng mức lương đủ sống để công nhân, lao động thêm phấn khởi làm việc, có điều kiện chăm lo gia đình, cống hiến với xã hội không chỉ là mong muốn của người lao động, còn thể hiện sự bảo đảm quyền con người ngày càng được nâng cao trong xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững.


 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập