Nghiêm khắc để trị bệnh “nhờn luật”
(HPĐT)- Tại Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy đầu năm học 2024- 2025, một trong những chỉ đạo được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh là ngành cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan liên quan, nhất là Công an, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, không bao che, nương nhẹ...
Qua 9 tháng năm 2024, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người; trong đó tình trạng vi phạm pháp luật giao thông ở thanh, thiếu niên khá phổ biến... Tại Hải Phòng, tình hình ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh nhiều diễn biến phức tạp: Xảy ra 58 vụ tai nạn (chiếm 14,36% tổng số vụ), làm 15 em tử vong (chiếm 8,62 %), 53 em bị thương (chiếm 17,49%). Công an thành phố xử lý 6.207 trường hợp học sinh vi phạm; riêng Phòng Cảnh sát giao thông xử lý 2.968 trường hợp.
Những số liệu trên cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng, nhà trường đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục, xử phạt, tuy nhiên vi phạm trong học sinh còn cao. Vì vậy, cùng với tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT trong các nhà trường, cần đi đôi với siết chặt quản lý, kỷ luật, xử lý nghiêm hơn nữa để tạo tính răn đe. Tinh thần này đang được Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường ở Hải Phòng triển khai thực hiện. Nhiều nhà trường chấp nhận học sinh vi phạm bị xử phạt thay vì tìm mọi cách nhờ “tác động, can thiệp” để bỏ qua nhằm giảm trách nhiệm của đơn vị trong quản lý học sinh. Một trường học trung bình có khoảng hơn 1.000 học sinh, nếu nhân nhượng một vài em, vô hình trung những bài học giáo dục về pháp luật giao thông sẽ trở nên hình thức, không còn tác dụng, sẽ khó đưa số còn lại vào kỷ cương.
Tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành “thuốc nghiêm” trị bệnh “nhờn luật”. Năm học vừa qua, không ít học sinh trên địa bàn thành phố bị hạ hạnh kiểm do vi phạm các quy định pháp luật giao thông đường bộ. Tổng kết năm học 2023-2024, trong công tác thi đua khen thưởng của ngành, 11 tập thể không được tặng danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc”, 4 tập thể không được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố do chưa bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo một trong các trường hợp: Có cán bộ, giáo viên, người lao động vi phạm TTATGT; có học sinh, sinh viên vi phạm, để xảy ra tai nạn giao thông; có học sinh, sinh viên vi phạm vượt quá tỷ lệ 1% tổng số học sinh, sinh viên của đơn vị. Tinh thần này tiếp tục được ngành GD-ĐT quán triệt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tiếp tục đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong năm học 2024-2025...
Ngăn chặn thương vong do tai nạn giao thông đối với thanh, thiếu niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Do vậy, trong công tác giáo dục ATGT trong trường học, ngoài tăng cường phối hợp gia đình giáo dục, quản lý con em; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên thì siết chặt quản lý, kỷ luật là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Qua đó góp phần bảo vệ các em, bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ tai nạn.