Tất cả vì sự phát triển của quê hương, đất nước
(HPĐT)- Theo định hướng trong các Kết luận, Kế hoạch của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đang triển khai quyết liệt, khẩn trương các khâu công việc liên quan theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tiếp sau việc sắp xếp, tổ chức lại các ban, bộ, ngành, cơ quan Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay là sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở, nói nôm na là “vẽ lại” bản đồ địa giới hành chính. Theo đó, tập trung xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện.
Đến nay, đường hướng, mục tiêu của nhiệm vụ tổ chức lại đơn vị hành chính địa phương đang dần rõ nét qua các đề án, dự thảo được các bộ, ngành chức năng xây dựng, lấy ý kiến để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, có 52 địa phương thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; 11 địa phương còn lại giữ nguyên hiện trạng. Dự kiến địa phương mới hình thành khi tỉnh sáp nhập với tỉnh sẽ tiếp tục gọi là tỉnh; khi tỉnh sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương sẽ vẫn là thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp, dự kiến cả nước sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố. Với cấp cơ sở là xã/phường, từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay sẽ tổ chức lại thành khoảng 3.000 đơn vị, giảm 60-70%.
Mang tầm vóc một cuộc cách mạng, đây là sự tổ chức lại không gian phát triển quốc gia ở cấp địa phương để có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao “2 con số”, trước hết tạo điều kiện quy hoạch, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn; phân quyền mạnh mẽ cho cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách. Qua đó cho phép khai thác, phát huy tối đa các động lực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp, phải giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn khi liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại địa giới đơn vị hành chính, mà kinh nghiệm, bài học từ những lần sáp nhập, chia tách trước đây cho thấy.
Trong những ngày này, câu chuyện sáp nhập, hợp nhất tỉnh, thành phố nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội với rất nhiều ý kiến, đề xuất từ chuyên gia, nhà quản lý, người dân. Bên cạnh sự đồng thuận, ủng hộ rất cao chủ trương lớn của Đảng, cũng có nhiều luồng ý kiến, băn khoăn, tâm tư về các vấn đề liên quan, mà chẳng vấn đề nào có thể gọi là nhỏ, từ việc chọn tên gọi, nơi đặt trung tâm đầu não địa phương mới sau sắp xếp... Theo nhiều chuyên gia, thủ phủ tỉnh/thành phố mới cần đủ sức trở thành "trái tim" hành chính, đảm đương được vai trò động lực kết nối vùng, khơi dậy tiềm năng phát triển, mở ra cơ hội bứt phá cho toàn địa phương, vì thế nên đặt tại đô thị phát triển nhất trong số các đơn vị sáp nhập. Ví dụ, trường hợp Hải Phòng hợp nhất với tỉnh khác, với cảng biển, trung tâm giao thương lớn nhất miền Bắc và tầm nhìn hướng biển, đô thị thành phố Cảng nên được chọn làm thủ phủ. Hay trong việc lựa chọn tên gọi, làm thế nào để khai thác tối đa “thương hiệu”, hình ảnh địa phương cho phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời cũng thể hiện được sự gắn kết văn hóa sau hợp nhất.
Chắc chắn, tất cả ý kiến, góp ý mang tính xây dựng, trách nhiệm đó sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng cùng các đề án, dự thảo liên quan, để đi đến quyết định hợp lý nhất, hài hòa nhất, có lợi cho toàn cục nhất trên mọi phương diện, nhận được sự đồng thuận cao nhất của người dân. Ở đây, không tồn tại tư duy cục bộ, địa phương, vì đâu cũng là quê hương Việt Nam. Tất cả vì mục tiêu tối thượng- sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương, đất nước, mọi mặt đời sống của người dân không ngừng nâng cao.